Ngoài bộ ba quyền lực kebab, falafel và shawarma mà nhiều du khách biết tới đầu tiên trong hành trình đến đất nước đầy huyền bí này, những món ăn truyền thống từ thời Ai Cập cổ đại sẽ khiến bạn dừng chân mãi nơi đây. Không chỉ thế, Ai Cập còn sở hữu nền ẩm thực vô cùng đa dạng, là kết quả của sự giao thoa văn hóa nhiều nước láng giềng như: Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Hy Lạp, Iran và Anh Quốc…
Molokhiyya
Món ăn này được làm từ lá cây molokhia có vị đắng. Người ta giã nhuyễn chúng sau đó nấu với rau mùi, tỏi và nước xương hầm. Loại sốt này thường được ăn kèm với thịt gà, thỏ, cừu hoặc cá… Đây là món ăn tồn tại lâu đời và lá molokhiyya là một loại thực phẩm điển hình trong thời kỳ của các vị vua pharaoh. Nhiều đầu bếp tại gia sẽ truyền đạt tình yêu vào món ăn để khiến chúng có hương vị ngon hơn. Cho dù bạn bắt gặp phiên bản nào, molokhiyya vẫn sẽ là món ăn Ai Cập duy nhất mang đến nhiều cảm xúc cho người thưởng thức tùy vào khẩu vị của mỗi người.
Kushari
Là món ăn rất nổi tiếng ở Ai Cập, kushari bao gồm cơm, mì ống, đậu đen hoặc đậu lăng nấu cùng với nước sốt cà chua-giấm và ớt, điểm thêm chút nui nhỏ trang trí cùng hành tây phi vàng. Điểm hấp dẫn nhất của món kushari chính là sự pha trộn hoàn hảo của các loại gia vị với kết cấu lạ miệng khiến thực khách ăn mãi không ngán.
Dù falafel và shawarma có thể là món ăn đường phố dễ tìm thấy tại Ai Cập, nhưng kushari lại là món ăn nhanh yêu thích của người dân đất nước này một phần vì giá thành cực kỳ rẻ. Nguồn gốc của kushari được cho là bắt nguồn từ món cơm Ấn Độ và món đậu lăng khichdi, được du khách châu Âu mang đến đất nước này vào thế kỷ 19 khi cả Ai Cập và Ấn Độ đều nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Sau đó, công thức này đã phát triển khi các đầu bếp pha trộn nó với các loại đậu, hành tây và nước sốt. Tiếp đó, cộng đồng người Ý địa phương đã thêm mì ống vào món ăn này. Ngày nay, nhiều người Ai Cập coi cách pha chế kỳ quặc nhưng hấp dẫn này là món ăn quốc gia của họ.
Hamam mahshi
Bất kỳ ai đi du lịch ngang qua vùng nông thôn Ai Cập đều sẽ sớm phát hiện ra những ngôi nhà nhỏ nằm trên cánh đồng được người dân xây để nuôi chim bồ câu. Dù loại thịt này không phổ biến ở châu Âu nhưng tại Ai Cập, món ăn này từng được dâng lên hoàng tộc. Ngày nay, những con chim được dùng trong món chim bồ câu nhồi (hamam mahshi): khoang bụng của chim bồ câu được nhét đầy lúa mì xanh freekeh dạng mảnh hoặc bulgur, hạt dẻ, hành tây xắt nhỏ, giấm và gia vị, sau đó được nướng trên bếp lửa hoặc quay cho đến khi da của nó có màu nâu vàng và giòn ngon. Dù món ăn lẫn lộn nhiều xương nhỏ nhưng điều đó không khiến người Ai Cập ngừng ca ngợi món ăn này.
Fuul mudammas
Thay vì dùng ngũ cốc và bánh mì nướng, người dân Ai Cập ăn sáng bằng món fuul mudammas (thường được viết tắt là fuul). Mỗi đầu bếp Ai Cập đều có cách điều chỉnh công thức riêng của họ, nhưng cơ bản nhất, đây là một món ăn đơn giản gồm đậu fava nghiền, nấu chậm, đặc sắc hơn nhờ hương vị hòa quyền từ cà chua, tỏi và thìa là thêm chút dầu ô-liu và nước cốt chanh. Fuul ngày nay được biến tấu thành nhiều hình thức khác nhau và đã trở thành một món ăn chính trên khắp Trung Đông và vùng Sừng châu Phi. Trong nước, fuul có các biến tấu tùy theo từng vùng như fuul Iskandarani (fuul kiểu Alexandria: chấm với ớt và tiêu thêm gia vị để tăng vị đậm đà). Fuul có thể được ăn như một món ăn hoặc được kết hợp với bánh mì pita tạo thành một chiếc bánh sandwich bổ dưỡng và thịnh soạn.
Fiteer
Thường được xem là pizza Ai Cập hoặc bánh nướng Ai Cập, fiteer được làm từ những lớp bột bánh ngọt siêu mỏng với các nguyên liệu khác nhau và sau đó được nướng trong lò gạch. Từ các phiên bản mặn áp dụng cách làm bánh pizza cổ điển (nhân pho mát, ớt, ô-liu và cà chua) đến ngọt (mật ong và kem là lựa chọn điển hình) đều có thể trở thành một món ăn nhẹ cho mọi người. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng với bánh pizza, nhưng fiteer được cho là có từ thời Pharaoh, khi loại bánh nhiều lớp này được làm để dâng lên các vị thần. Nó đã trở thành một món tráng miệng đặc biệt phổ biến vào thời trung cổ và nhờ ảnh hưởng từ địa phương và quốc tế, sự kết hợp hương vị cho món ăn ngày nay thật sự vô cùng đa dạng.