Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới với gần 17.000 hòn đảo lớn nhỏ và cũng là nơi có nền ẩm thực giao thoa đầy đủ các vùng văn hóa và khẩu vị khác nhau. Sự đa dạng trong các món ăn nơi đây bắt nguồn từ người dân địa phương các vùng kết hợp với sự ảnh hưởng của những thương nhân Ấn Độ, Trung Đông và Đông Á đến sinh sống và buôn bán tại các đảo từ những thế kỷ trước.
Khi khám phá Indonesia, hầu hết du khách đều choáng ngợp trước sự khác biệt trong nền ẩm thực khi diện tích quốc gia này trải dài gần 5.000km từ bờ biển phía Tây Sumatra đến một phần của đảo Papuan, thậm chí còn rộng hơn nước Mỹ.
Chính vì thế, mỗi hòn đảo mỗi địa phương lại có những cách chế biến hoặc món ăn khác nhau. Dưới đây là những đánh giá chung về một số món ăn phổ biến nhất của Indonesia, từ đó bạn có thể hình dung ra một thế giới ẩm thực thu nhỏ được thể hiện tại ‘xứ sở vạn đảo’ này.
Những đặc trưng cơ bản
Trong số 700 ngôn ngữ được sử dụng tại Indonesia, tiếng bahasa Indonesia được công nhận là chính thức và phổ biến nhất ở trên các thực đơn. Những từ sau sẽ giúp du khách phần nào bớt bỡ ngỡ khi lần đầu gọi món tại Indonesia: nasi – cơm, mie – mì, ayam – gà, ikan – cá, babi – thịt heo, daging – thịt hoặc thịt bò, sayur – rau, keju – phô mai, sup – canh/soup, goreng – chiên, bakar – nướng vỉ, panggang – nướng lò, satay – thịt nướng xiên, pedas – cay…
Hầu hết người dân Indonesia trên khắp các hòn đảo cũng như đa số dân châu Á khác đều xem gạo là nguồn lương thực chính, dùng cơm với các món ăn hằng ngày. Tuy nhiên, khu vực phía Đông, chẳng hạn tại các đảo Sulawesi, Makassar, Maluku và Papua, người địa phương lại chuộng khoai môn, khoai lang hoặc sắn hơn. Ngày nay, mì ăn liền khá phổ biến và ngay cả các nhà hàng cũng có món này trong thực đơn.
Ở những vùng nơi Hồi Giáo phát triển – như Sumatra, đặc biệt là Aceh, người theo đạo sẽ không ăn thịt heo. Trong khi đó, Bali được mệnh danh là đảo Hindu, thường ít có sự xuất hiện của thịt bò. Khi di chuyển qua lại giữa các hòn đảo, thực khách sẽ nhận thấy tất cả sự khác biệt về truyền thống và thói quen ăn uống của người dân.
Cách ăn uống hằng ngày
Một bữa ăn gia đình được bày theo kiểu các món được đựng trong đĩa và tô lớn đặt giữa bàn với các chén nhỏ dành cho mỗi người. Người cha hoặc người lớn tuổi nhất trong bàn sẽ là người đầu tiên bắt đầu bữa ăn, sau đó mọi người tự do chọn món và thưởng thức trong chén riêng của mình.
Người Indonesia ở các vùng nông thôn thường ăn bằng tay, trong khi dân thành thị dùng thìa và nĩa, chứ không dùng dao. Do đó, đa phần các món Indonesia chỉ ấm chứ không nóng. Một điểm lưu ý nữa là chỉ các ngón tay của tay phải chạm vào đồ ăn, cũng như tránh việc để đồ ăn lem ra cả lòng bàn tay.
Vùng đất của các loại gia vị
Quốc đảo Indonesia chính là thiên đàng của các loại gia vị. Ấn tượng nhất là quần đảo Maluku, nơi có các gia vị nổi tiếng trên khắp thế giới và thu hút các thương nhân từ Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc đến cả châu Âu.
Nhục đậu khấu và đinh hương được đánh giá cao nhất trong khi củ riềng hoặc cây dứa thơm/lá dứa lại phổ biến khắp Indonesia. Người dân thường dùng nghệ, ngò rí, tiêu đen, hành tím, tỏi, ớt và me khi chế biến các món ăn hằng ngày. Hầu hết các khu vườn ở Indonesia đều trồng gừng. Khi ghé thăm quốc đảo gia vị này, du khách có thể nhìn thấy hạt nhục đậu khấu và đinh hương được phơi và bán khắp hai bên đường.
Sambal đóng vai trò không thể thiếu của ẩm thực Indonesia, tựa như nước tương, nước mắm tại Việt Nam. Đây là một loại nước sốt có vị mặn được làm từ ớt tươi, tỏi phi, ruốc muối và các nguyên liệu khác, tùy thuộc vào từng đảo. Cà chua tươi xắt hạt lựu và nước cốt chanh là những nguyên liệu phổ biến.
Tùy theo truyền thống của từng gia đình, sambal có thể cay hoặc cực kỳ cay. Bumbu là hỗn hợp các loại gia vị và thảo mộc (theo truyền thống) được nghiền bằng cối đá, sau đó thường được đảo qua với dầu dừa để tạo mùi thơm hấp dẫn cho các món chiên xào.