Làm thế nào để tạo ra một chiếc bát thủy tinh hoặc một tác phẩm điêu khắc tinh xảo? Nghệ thuật thổi thủy tinh sẽ giải quyết được vấn đề này. Bằng cách định hình chất liệu dưới tác dụng của nhiệt độ, những nghệ nhân sẽ “thổi” hồn vào những vật dụng chức năng đơn giản, từ đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng.
Các kỹ thuật được sử dụng trong nghề thổi thủy tinh gần như vẫn vẹn nguyên kể từ khi lần đầu xuất hiện. Thủy tinh nóng chảy thành khối dẻo đặc như mật đường được đính vào vòi thổi. Sau đó, không khí được dẫn qua ống khiến thủy tinh dãn nở, phình ra như bong bóng và được định hình bằng cách xoay, cuộn hoặc thổi. Những chi tiết bổ sung như tay cầm hoặc đế sẽ được gắn vào bằng cách hàn.
Lịch sử của nghệ thuật thổi thủy tinh
THỜI CỔ ĐẠI
Con người có thể đã tiếp xúc với vật liệu thủy tinh từ thời tiền sử, vào khoảng năm 4000 TCN. Không có bằng chứng nào cho thấy việc thổi thủy tinh đã xuất hiện lúc bấy giờ, nhưng con người đã biết tận dụng thủy tinh tự nhiên được gọi là đá obsidian, xuất hiện từ các vụ phun trào núi lửa. Chất rắn này được sử dụng để chế tạo các công cụ như đầu mũi tên và bùa hộ thân. Vào thời điểm này, chúng ta cũng tìm ra được công thức tạo ra thủy tinh: cát, tro thực vật và vôi sống.
Đến năm 1500 TCN, dân cư ở Mesopotamia và Ai Cập đã tự tạo hình bình thủy tinh bằng cách đổ thủy tinh nóng chảy cách lớp. Sau khi thủy tinh nguội, các lớp bên dưới được tách ra để lộ ra khối thủy tinh dạng rỗng. Ngoài việc làm bát đĩa, gạch thủy tinh cũng được tạo ra vào thời gian này.
ĐẾ CHẾ LA MÃ
Người dân Syria đã phát minh ra ống thổi. Vào khoảng năm 300 TCN, họ đã tạo ra công cụ dùng để thổi thủy tinh và thử nghiệm những phát minh mới với những hình dạng khác nhau. Các nghệ nhân cũng cải tiến công thức thủy tinh cơ bản để tạo ra các thiết kế bên trong vật liệu và trang trí nó bằng cách khảm kim loại.
THỜI TRUNG CỔ
Những người thợ thổi thủy tinh giỏi nhất ở Trung Đông và bí thuật sản xuất thủy tinh đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong suốt thời Trung Cổ, nước Ý – cụ thể là Venice – đã trở thành thánh địa của nghề thổi thủy tinh khi quá trình này phát triển nhờ giao thương giữa hai nơi. Chính phủ Ý sau đó buộc tất cả những người thợ thổi thủy tinh đến đảo Murano vào khoảng năm 1300 SCN. Ở đó, họ đã hoàn thiện các tác phẩm thủ công và phát triển cristalo, dạng tinh thể thủy tinh trong suốt cùng các màu thủy tinh mới.
Việc những người thợ thổi thủy tinh rời bỏ Murano là một trọng tội và có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Nhưng nhiều người đã thành công trốn thoát và lan tỏa những kỹ thuật của họ đến các khu vực khác của châu Âu và châu Á.
THỜI PHỤC HƯNG
Nghề thổi thủy tinh trở nên phổ biến hơn và được phát triển khắp châu Âu trong suốt thời kỳ Phục Hưng. Vào thế kỷ 17, những quyển chuyên đề về thủy tinh ra đời, như Arte Vetraria hoặc The Art of Glass. Trong thời gian này, các ứng dụng thực tế hơn của thủy tinh bắt đầu xuất hiện và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, như ô cửa sổ và chai thủy tinh.
TÂN NGHỆ THUẬT
Phong trào Art Nouveau hay Tân Nghệ Thuật phổ biến vào cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18, là nơi chứng kiến sự phát triển của hàng loạt môn nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo. Thợ kim hoàn nổi tiếng, Louis Comfort Tiffany đã hoạt động năng nổ trong thời gian này, thiết kế những chiếc đèn, cửa kính màu,… mang tính biểu tượng.
HIỆN ĐẠI
Trong giai đoạn giữa thế kỷ 20, những cơ sở kinh doanh vật dụng thủy tinh ngày một gia tăng và các nghệ sĩ làm việc độc lập với các nhà máy lớn để sản xuất các tác phẩm sáng tạo của riêng họ. Nhờ đó, các kỹ thuật và cách tiếp cận nghề thổi thủy tinh dần được cải tiến và hiện đại hóa.