Thị trấn Ballybunion được đặt theo tên của gia đình Bunion, người sở hữu lâu đài từ thế kỷ 15. Đối với nhiều người, cái tên này gợi lên hình ảnh sống động của một sân golf hoang dã ở rìa Đại Tây Dương với các đường fairway nằm giữa vùng cồn cát khổng lồ. Herbert Warren Wind, tác gia golf nổi tiếng người Mỹ, đã mô tả Ballybunion là “sân golf tuyệt vời nhất bên bờ biển mà tôi từng thấy”.
Khi lái xe từ thị trấn lịch sử Ballybunion, dọc theo con đường quanh co đến câu lạc bộ chơi golf, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vùng đất ven biển ngoạn mục nhất và hiếm thấy ở những nơi khác trên thế giới. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi sân này nằm trên Sandhill Road, nơi có những cồn cát lớn nhất, ghê gớm nhất ở Ireland.
Được ra mắt lần đầu vào năm 1893 với tư cách là một sân 12 lỗ, quyển Irish Golfer’s Guide 1897 từng đề cập tên nhà thiết kế là James McKenna. Ballybunion Golf Club gặp khó khăn về tài chính vào thời điểm này và sau đó đóng cửa vào năm 1898. Sân được tái thành lập vào năm 1906 dưới dạng sân 9 lỗ với bản thiết kế của nhà báo golf nổi tiếng người Ireland Lionel Hewson; sân Old được mở rộng thành 18 lỗ vào năm 1926. Old Ballybunion bắt đầu được biết đến rộng rãi sau khi tổ chức thành công giải Irish Championship 1937. Trước giải đấu, Tom Simpson và Molly Gourlay đã được gọi đến để thực hiện những thay đổi phù hợp về bố cục. Kể từ đó, sân được giữ nguyên đến hiện tại.
Ballybunion là một thử thách thú vị, một bài kiểm tra đỉnh cao của môn golf. Nếu bạn là người chơi giỏi, bạn có thể tận dụng gió nhẹ để nâng điểm số của mình. Nếu đó là một cơn gió mạnh thổi vào bờ, tốt nhất là nên tận hưởng cảm giác giải trí của sân hơn là phân định thắng thua. Bill Clinton từng chơi ở đây vào năm 1998 với nhiều lần đánh lại tại một lỗ.
Có rất nhiều lỗ xuất sắc trên sân Old ở Ballybunion đến nỗi khó có thể chọn ra một lỗ. Lỗ số 2 tên là Kennells là một par 4 dài 445 yard, đường phát bóng bị kẹp giữa 2 cồn cát cao chót vót. Một cú đánh mạnh và chính xác sẽ đưa bóng bay xa tới vùng green trên đồi. Lỗ số 7 tên Castle Green cũng là lỗ par 4 khó nhằn khác có chiều dài 432 yard với điểm phát bóng nằm trên vách đá nhìn ra bờ biển. Đó là một thử thách đáng quan ngại. Sân Old còn có một lỗ đặc trưng – số 11 tên Watsons với chiều dài lên tới 472 yard.
Tom Watson cực kỳ phấn khích trước Ballybunion và luôn dành những lời có cánh cho nó. Sau nhiều lần đến thăm, Watson đúc kết: “Khi đến Ballybunion lần đầu tiên, rất dễ lầm tưởng đây là nơi golf được sinh ra bởi vẻ ngoài hoang dã, bãi cỏ dài bao phủ các cồn cát cao và trải dài trong suốt sân trông rất đáng sợ đối với người chơi… Nhìn chung, đây là sân mà nhiều kiến trúc sư golf nên trải nghiệm và chơi trước khi xây dựng một thiết kế nào. Tôi coi đây là một bài kiểm tra thực sự của môn golf”.
Quyển Little Red Book of Golf Course Architecture của Tom Doak từng đề cập như sau: “Hầu hết các sân đều có quá nhiều hố cát trên fairway. Crystal Downs và Ballybunion là bằng chứng cho thấy nếu mặt đất thực sự tốt và khoảng gồ ghề giữa các lỗ vẫn có thể chơi được nhưng độ khó giảm dần từ lượt đánh thứ hai, bạn hầu như không để tâm đến bẫy cát ngoài cảnh đẹp tự nhiên mê hồn”.
Vào cuối năm 2015, Ballybunion bắt tay vào một dự án nâng cấp chuyên sâu bao gồm việc thay thế tất cả 18 mặt cỏ mềm poa annua bằng cỏ fescue nhỏ mịn ở các khu vực gạt bóng, tân trang lại cho khoảng 40 hố cát và thực hiện các thay đổi thiết kế chính cho một số bẫy cát. Tại lỗ số 7, green được dịch chuyển gần biển hơn và các cồn cát được bố trí phía sau khu gạt bóng mới để che các điểm phát bóng ở lỗ tiếp theo trong khi việc thay đổi tạo hình phía bên phải của green ở lỗ thứ 8 cho phép lỗ golf như hòa vào cồn cát. Lát đá ở các lỗ par 3 như 14 và 15 cũng được thay thế bằng những con đường trải cỏ đầy phong cách.
Quá trình cải tạo được thực hiện bởi Atlantic Golf Construction, dưới sự giám sát của kiến trúc sư Graeme Webster và hoàn thành trong khoảng thời gian chỉ trong vài tháng. Bên cạnh đó, vào những năm 1980, bố cục 18 lỗ do Robert Trent Jones thiết kế được đặt tên là sân Cashen thuộc Ballybunion Golf Club.