Thật đáng ngạc nhiên khi một đất nước vốn không nổi tiếng về việc trồng và xuất khẩu cà phê như Singapore lại sở hữu cho riêng mình nền văn hóa cà phê đa dạng và phong phú bậc nhất thế giới. Từ cà phê vợt cho đến viên nang capsule, từ kopi-O cho đến cà phê ủ lạnh; quốc đảo nhỏ bé này luôn có những cách thật khác biệt để níu chân các tín đồ cà phê toàn cầu.
Từ “kopi socks” đến cappuccino, từ quán cà phê kiểu cổ truyền đến những cửa hàng cà phê hiện đại, từ cách pha cà phê truyền thống đến những phương pháp pha chế hiện đại như viên nang, chúng ta có thể nhìn từ cuộc “cách mạng hóa” này để thấy được cách mà cà phê đã trở thành một phần tinh túy không thể thiếu trong văn hóa của người Singapore. Tại đất nước này, người ta rất tự hào về cách đặt tên cho món cà phê của họ. Từ phương thức gọi đơn giản như “kopi” đến cách nghe có vẻ cao cấp hơn là “kopi-O kosong di lo peng”, mỗi một cái tên tưởng chừng như đơn giản nhưng đều mang theo lịch sử và truyền thống riêng, cũng chính là những gì khiến cho văn hóa cà phê tại Singapore trở nên đặc biệt.
Người dân đất nước Singapore ai ai cũng coi trọng cà phê, cho dù đó là loại cà phê đựng trong ly nhựa trắng từ các quán kiểu hiện đại, hay kopi-o đựng trong túi nhựa treo trên cần đèn xi nhan trong ô tô. Loại thứ hai thậm chí còn được lấy cảm hứng để thiết kế nên những mẫu túi dây rút và túi đeo vai cỡ lớn.
Niềm đam mê cà phê này bắt nguồn từ đâu và như thế nào?
Theo Victor Mah, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Singapore, cà phê theo chân những người Anh đầu tiên đến đây định cư và bắt đầu phổ biến nhờ dòng người nhập cư ngay từ những ngày đầu lập quốc. Trong đó, “kopi” chính là một “công thức độc đáo” được mang từ Hải Nam và Phúc Kiến (Trung Quốc) vào Singapore và Malaysia. Loại cà phê còn được gọi là “Nanyang” này chủ yếu được làm từ hạt cà phê Robusta, và cách rang hạt cũng đặc biệt khi sử dụng bơ, mỡ và đường, thậm chí có nơi còn có thêm bắp để tăng hương vị cho cà phê.
Để chuẩn bị loại đồ uống công phu này, người ta sử dụng một bộ lọc bông hay còn gọi là “vớ cà phê” và nước rất nóng được đổ vào đó từ ấm đun nước bằng thép không gỉ có vòi dài hẹp. Sự khởi đầu của văn hóa kopitiam bắt nguồn từ các cửa hàng cà phê ở khu vực địa phương, cũng như những quán được gọi là quầy hàng sarabat – quầy hàng bán đồ uống. Đến đầu thế kỷ 20, văn hóa cà phê tại Singapore đã trải qua những bước ngoặt quan trọng các chuỗi thương hiệu hiện đại như Ya Kun, Toast Box và Killiney mọc lên xung quanh Singapore. Điều này đã mở rộng tầm ảnh hưởng của cà phê truyền thống ra khắp các khu vực trung tâm, không chỉ dành cho những thế hệ đầu tiên lập quốc và Merdeka.
Không chỉ ảnh hưởng từ văn hóa cà phê truyền thống, người yêu cà phê trẻ tuổi ngày nay còn chịu ảnh hưởng từ những xu hướng cà phê toàn cầu, đặc biệt là từ Tây Ban Nha, Úc và Mỹ. Văn hóa quán cà phê hiện đại như chúng ta biết đến ngày nay bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Singapore hơn một thập kỷ trước, khi các quán cà phê địa phương như Oriole, Papa Palheta, Liberty Coffee và Kith trở thành nơi lý tưởng cho những người yêu cà phê theo trào lưu Third Wave. Và từ đó, Singapore cũng không ngừng chứng kiến sự xuất hiện những quán cà phê do các barista địa phương vận hành theo cách thức vừa quyến rũ vừa cá tính, như Nylon Coffee Roasters, Strangers’ Reunion và Assembly Coffee (hiện đang là Atlas Coffeehouse).
Rõ ràng, lượng cà phê tiêu thụ tại Singapore đang có xu hướng tăng lên. Theo trang phân tích dữ liệu Statista, vào năm 2020, khoảng 6 triệu kg cà phê đã được tiêu thụ ở đất nước nhỏ bé này.
Thưởng thức một bữa sáng với cà phê “chuẩn Singapore”
Lần sau khi có dịp đến với đảo quốc sư tử biển, hãy dành thời gian đển thưởng thức một bữa sáng tiêu chuẩn bao gồm trứng luộc lai giữa kiểu Hải Nam và phương Tây, bánh mì nướng kaya và cà phê. Bạn phải làm thao tác đập những quả trứng chảy nước của mình vào một cái bát và nêm chúng với nước tương cho vừa ăn. Trong khi đó, Kaya là loại mứt truyền thống được làm từ nguyên liệu dừa, trứng và đường; được kẹp giữa 2 lát bánh mì sandwich nướng giòng và một lát bơ dày béo ngậy. Bạn có thể tìm thấy thực đơn này tại những địa điểm như Killiney Kopitiam ban đầu ở Đường Killiney, Yakun, hoặc Good Morning Nanyang Café ở Chinatown Point.
Theo mặc định, cà phê hoặc kopi (phát âm là ‘kaw-pee’) luôn luôn đi kèm với sữa đặc và đường ở đáy cốc. Hoặc để trông có vẻ sành sỏi như người bản địa khi order cà phê, hãy học thuộc các các nói sau đây:
Kopi: Cà phê đen sữa đặc
Kopi Peng: Cà phê đen với sữa đặc và đá
Kopi O Siew Dai: Cà phê đen ít đường
Kopi-O: Cà phê đen có đường
Kopi-Kosong: Cà phê đen không đường
Kopi Kosong Peng: Cà phê đen không đường kèm đá
Kopi-O Peng: Cà phê đen có đường và đá
Kopi Gah Dai: Cà phê đen thêm sữa đặc
Kopi Po: Cà phê sữa ít sữa
Kopi Gau: Cà phê sữa nhiều sữa đặc
Kopi-C: Cà phê với sữa đặc không đường
Kopi Ta Bao: cà phê mang đi