Công nghệ đồng hồ quartz đã góp phần “mở đường” cho sự phát triển về mặt thẩm mỹ của đồng hồ vào thập niên 70, tạo ra một “cuộc cách mạng đồng hồ thời trang” khiến cho ngay cả những “ông lớn” trong làng đồng hồ Thụy Sỹ cũng phải e ngại. Trong thập kỷ tiếp theo khi đồng hồ quartz ra đời, phần lớn các thiết kế đã ít tập trung hơn về mặt chức năng cốt lõi, thay vào đó là phát triển về mặt hình thức bên ngoài, biến đồng hồ trở thành một món phụ kiện thời trang sành điệu với công dụng làm đẹp nhiều hơn là cho biết thời gian.
Công nghệ thú vị có nguồn gốc từ Nhật Bản này đã tạo điều kiện về sự gia tăng đáng kể trong số lượng các thỏa thuận cấp phép cho công ty đồng hồ của các thương hiệu thời trang lớn và rất nổi tiếng thời bấy giờ. Những tên tuổi “khét tiếng” như Christian Dior, Gucci và Yves Saint Laurent giờ đây đã có thể đóng dấu logo đầy kiêu hãnh của họ lên mặt đồng hồ quartz giá rẻ để được lợi nhuận khổng lồ trên thị trường đại chúng. Và trong giai đoạn này, có một nhân vật đã thẳng tay lựa chọn con đường riêng – Yves Saint Laurent. Được “nữ hoàng thời trang” Diana Vreeland phong làm “thiên tài sống” và “Người thổi sáo thời trang” tại Bảo tàng Metropolitan vào năm 1983.
Giới thời trang cao cấp từ lâu đã sử dụng thuật ngữ “thiên tài” để mô tả Saint Laurent. Nói một cách dễ hiểu hơn, địa vị của ông trong ngành tương tự như Gerald Genta – quý ông đi tiên phong trong lĩnh vực chế tác đồng hồ và là người góp công thay đổi định hướng thiết kế của đồng hồ hiện đại. Năm 1975, ông chợp tác cùng Citizen để bắt đầu sản xuất và phát hành đồng hồ được cấp phép YSL (Yves Saint Laurent) dành riêng cho thị trường Nhật Bản. YSL xử lý việc thiết kế, trong khi Citizen đảm nhiệm khâu sản xuất sản phẩm. Các phiên bản ban đầu được tạo ra dựa trên nhu cầu về một chiếc đồng hồ đeo tay đích thực sở hữu hai kim, lên dây thủ công và có thiết kế mỏng nhẹ – hoàn toàn tuân theo tiêu chuẩn mỹ thẩm mỹ trang nhã của YSL. Dần già sau đó, công cuộc hợp tác này bắt đầu dẫn đến thành quả là một loạt đồng hồ quartz được thiết kế thông minh với độ hoàn thiện cao, xen kẽ một số lượng rất ít đồng hồ cơ. Chúng thường mang đường nét gãy gọn, vận dụng bảng màu tối gồm nâu đậm, đen và tím, cùng với thử nghiệm các kết cấu mới như da rắn. Thập niên 70 chứng kiến một thị trường đồng hồ có đôi phần hỗn loạn nhưng cũng đầy màu sắc, thế nhưng các sản phẩm hợp tác giữa Citizen và YSL thì lại vô cùng tinh tế, mượt mà nhưng cũng không kém phần phức tạo, đồng thời mang theo dấu ấn thời gian vô cùng quyến rũ.
Ngày nay, Citizen sớm đã thay đổi định hướng thiết kế và không còn tập trung vào quyến tố sang trọng, thế nhưng những sản phẩm hợp tác đầu tiên của hai tên tuổi đến từ Pháp và Nhật này vẫn luôn được giới mộ điệu mong nhớ bởi ngoại diện đẹp đẽ lẫn chất lượng khá tốt. Vào thời điểm đó, dường như tất cả các hãng đồng hồ Nhật Bản đều áp dụng công nghệ quartz với người “anh cả” dẫn đầu là Seiko. Thế nhưng Citizen – với quy mô nhỏ hơn nhiều và doanh thu chỉ bằng 1/4 – mới là kẻ đi trước trong cuộc các mạng thẩm mỹ; tạo nên một thời kỳ không thể quên khi công nghệ phương Đông quyện hòa cùng thẩm mỹ phương Tây.