Chi nhánh Behnisch Architekten tại Boston vừa hoàn thành một tòa nhà học thuật đồ sộ tại khuôn viên mới của Đại học Harvard với lớp phủ bên ngoài bằng tấm thủy lực thép không gỉ đầu tiên trên thế giới.
Khu phức hợp Khoa học và Kỹ thuật (SEC) là một phần của Khuôn viên Allston mới của Harvard, nằm ngay cạnh Sông Charles từ khuôn viên chính của trường đại học tại Cambridge. Tòa nhà nằm trên một khu đất rộng 2ha dọc theo trục đường chính Western Avenue.
Cơ sở nghiên cứu và giảng dạy này cũng là trụ sở của Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng John A Paulson. Nơi đây tập trung những người làm việc trong nhiều lĩnh vực như robot, kỹ thuật sinh học, vật lý ứng dụng và kỹ thuật cơ khí. Do đó, cấu trúc tòa nhà được thiết kế “để truyền cảm hứng cho việc học tập và khám phá khoa học đồng thời thể hiện tính bền vững”.
Đơn vị thi công Behnisch Architekten có trụ sở tại Đức cho biết: “Thiết kế hướng tới tương lai của cơ sở này phản ánh các giải pháp công nghệ và không gian tiên tiến, đẳng cấp thế giới của đội ngũ giảng viên và nhân viên, những người đang đáp ứng các yêu cầu phức tạp và luôn thay đổi của công việc nghiên cứu khoa học”.
Khu phức hợp hình chữ nhật rộng hơn 50.000 m2 cung cấp đầy đủ không gian phục vụ mục đích học thuật. Bố cục được chia nhỏ nhằm giảm sức nặng về mặt thị giác của tòa nhà. Với chiều cao 8 tầng, cơ sở này bao gồm ba khối được kết nối bằng các giếng trời nhiều tầng bằng kính.
Đội ngũ thiết kế chia sẻ: “Điều này tạo ra một nhịp điệu cho thị giác dọc theo mặt tiền đường dài hơn 150 mét tương tự như các công trình có quy mô truyền thống hơn, đồng thời vẫn duy trì tính liên tục cho toàn bộ tòa nhà”.
Hiệu ứng nhiều lớp nhìn từ bên ngoài giúp tạo nên bản sắc riêng cho khu phức hợp đồng thời cũng biểu hiện được quy mô lớn của cơ sở. Theo các kiến trúc sư, phần phía trên của tòa nhà có các tấm thủy lực thép không gỉ đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, khuôn đúc thủy lực giúp tạo hình kim loại nhờ áp suất cao của chất lỏng. Từ đó, các tấm phủ bên ngoài được thiết kế chính xác để giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt từ mặt trời trong những tháng nắng trong khi vẫn hứng đủ nguồn sáng vào mùa đông.
Các phần thấp hơn của tòa nhà có cách xử lý phần mặt tiền khác nhau, bao gồm tường kính dài và cửa sổ liên tục. Phần mái che giúp điều chỉnh lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào và cửa sổ có thể mở ở một số khu vực bổ sung luồng gió tự nhiên.
Trong tòa nhà, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu tạo ra những không gian linh hoạt thúc đẩy sự hợp tác và làm việc liên ngành. Các tầng gần mặt đường được bố trí các phòng học, không gian sáng tạo, phòng thí nghiệm giảng dạy và khu vực tiện ích. Các ô cửa kính giúp trưng bày tác phẩm của sinh viên đồng thời giúp kết nối tòa nhà với cộng đồng xung quanh. Tầng dưới cũng có một quán cà phê và khu vực chỗ ngồi có bậc thang hướng ra sân trong.
Các phòng thí nghiệm nằm ở các tầng trên, nơi có nhiều sự riêng tư và an ninh hơn. Trong khi các phòng chờ nằm rải rác ở các tầng và xen kẽ các khu vực nghiên cứu, một số phòng thí nghiệm được thiết kế để thay đổi khi cần thiết.
Behnisch Architekten cho biết: “Môi trường phòng thí nghiệm linh hoạt, dạng mô-đun, phân vùng thông minh các khu vực thông gió cao từ không gian khô ráo và cung cấp mạnh mẽ các dịch vụ nội bộ đảm bảo khả năng thích ứng của không gian trong nhiều thập kỷ tới”.
Đối với phần hoàn thiện nội thất, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các vật liệu như kính và bê tông trần để tạo ra một không gian mở. Gỗ được sử dụng cho sàn, cầu thang, khu vực ghế ngồi, bàn làm việc và ghế dài. Không gian nội thất đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về vật liệu, thẩm mỹ và ứng dụng.
Khu phức hợp có nhiều yếu tố bền vững, bao gồm thiết bị che mát, thông gió tự nhiên, tấm pin mặt trời, sân thượng phủ cây xanh và hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm và làm mát hiệu quả. Vì vậy, dự án đã đạt chứng nhận LEED Bạch kim từ Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tòa nhà cũng được Viện Tương lai Sống Quốc tế có trụ sở tại Seattle chứng nhận theo Living Building Challenge – một trong những chương trình chứng nhận công trình xanh khắt khe nhất trên thế giới.