Khi nhắc đến những giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực, không thể không nói đến Michelin. Đối với nhiều đầu bếp, có được một ngôi sao Michelin chính là cột mốc để có thể mở ra cánh cửa đến với danh vọng, và một viễn cảnh tươi đẹp với hàng dài thực khách xếp hàng chờ đến lượt vào ăn. Tuy nhiên, một số lượng lớn các nhà hàng cao cấp ở Nhật Bản lại kiên quyết từ chối vinh dự này. Tại sao lại như vậy?
Khi Michelin Guide lần đầu tiên đến Tokyo vào năm 2008, họ đã có kế hoạch vinh danh nhiều nhà hàng với các hạng mục đa dạng. Tuy nhiên, các đầu bếp tại đất nước này đã gây bất ngờ cho ban giám khảo bằng một thông điệp rõ ràng: “Không có phóng viên, không có ống kính, không có sao Michelin”. Đến tận bây giờ, nhiều nhà hàng vẫn giữ nguyên lập trường này.
Đối với một số địa chỉ ăn uống cao cấp, việc nhận sao Michelin đồng nghĩa rằng nhà hàng sẽ trở thành điểm đến must-visit của rất nhiều thực khách, với lịch đặt bàn kín mít trong nhiều tháng và hàng dài kngười rồng rắn xếp hàng chờ đợi. Điều này là một cơn ác mộng bởi lẽ các nhà hàng longại rằng sự nổi tiếng bất ngờ sẽ khiến các khách hàng quen thuộc không thể có chỗ, và khi đám đông khách du lịch ẩm thực đã thôi tò mò và chuyển sang tìm kiếm những đầu bếp “hot” khác, nhà hàng có thể phải đối mặt với tình trạng vắng khách.
Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn nằm trong triết lý sống và làm việc của người Nhật. Từ chối sao Michelin không chỉ đơn thuần vì lý do thương mại mà bởi lẽ họ thực sự hài lòng với những gì mình có. Khái niệm “đủ” ở đây không phải là “mọi thứ tôi từng mơ ước” hay “nhiều hơn tôi tưởng tượng”. “Đủ” thể hiện sự hiểu biết về bản thân và sự hài lòng khi đạt được điều mà mình mong muốn.
Mục tiêu cuối cùng của nhiều đầu bếp Nhật Bản không phải là danh tiếng hay sự giàu có, mà là sáng tạo ra những món ăn ngon cho những thực khách và nhận về sự đánh giá cao trong nghệ thuật ẩm thực xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Chính vì vậy, bạn sẽ hiếm khi thấy hình ảnh từ các nhà hàng hàng đầu Nhật Bản trên Instagram hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác. Nhiều nơi còn hoạt động theo mô hình của các câu lạc bộ riêng tư: chỉ chấp nhận người được giới thiệu hoặc là khách của những thực khách đã quen biết trước.
Xét cho cùng, mối quan hệ này không thể bị mua bằng bất cứ ngôi sao Michelin danh giá nào. Trong một thế giới mà những giá trị quý báu ngày càng bị cuốn theo danh tiếng và sự công nhận của đám đông, các đầu bếp Nhật Bản lại khiến chúng ta nhớ rằng phần thưởng lớn nhất có thể không nằm ở giải thưởng hay danh vọng, mà chính là những trải nghiệm ẩm thực tốt đẹp với những gắn kết sâu sắc được tạo ra từ một bữa ăn thân mật gần gũi.