Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, ngành công nghiệp rượu vang đang phải đối mặt với những thách thức cam go. Từ các vụ cháy rừng khủng khiếp cho đến những đợt nắng nóng kinh hoàng, ngành sản xuất rượu vang trên toàn cầu đang vật lộn để tìm ra giải pháp thích ứng với một môi trường liên tục biến đổi.
Mimi Casteel, chủ sở hữu Hope Well Wine, đã trải qua một mùa hè khó khăn vào năm 2020 khi các trận cháy rừng lan rộng khắp bang Oregon, nơi bà cho thuê hơn 20 mẫu đất để trồng nho. “Khói bốc lên dày đặc đến nỗi tôi phải tắt các máy báo khói trong nhà” – Casteel chia sẻ. Những đám cháy này dù không lan đến gần nhưng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng khi vườn nho của bà bị nhiễm khói, dẫn đến việc mất hết hợp đồng với các khách hàng lớn. Ước tính tổng thiệt hại sau tai họa này lên tới 300.000 USD.
Ngành sản xuất rượu vang ở Oregon, vốn nổi tiếng với dòng rượu chardonnay và pinot noir, đã có một lịch sử phát triển mạnh mẽ kể từ những năm 1960. Tuy nhiên, Casteel cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng đánh mất bản sắc”. Theo báo cáo đánh giá khí hậu Oregon, tổng diện tích bị cháy trong mùa cháy rừng năm 2020 là một trong những số liệu lớn nhất trong lịch sử bang. Dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và các đám cháy sẽ ngày càng có quy mô lớn hơn. Thế nhưng, đây không chỉ là câu chuyện riêng của Oregon; các vườn nho trên khắp châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nho là một trong những loại cây trồng nhạy cảm nhất với sự biến đổi khí hậu. Đối với một số nhà sản xuất, nhiệt độ tăng cao có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng ảnh hưởng lâu dài của việc thay đổi mô hình thời tiết như mùa hè ấm hơn, mùa đông ấm hơn và các đợt sương muối bất thường, v.v… đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các chủ vườn.
Nenad Trifunović, giám đốc phát triển kinh doanh tại The Wine & More ở Croatia, cho biết ngành sản xuất rượu ở Balkan đã chịu tác động mạnh mẽ từ những đợt nắng nóng bất thường. Với hơn 2.000 năm truyền thống sản xuất rượu, các nhà trồng nho giờ đây không còn có thể yên tâm dựa vào các mùa vụ và lượng mưa như thường lệ. Họ đang phải tìm những cách thích ứng với sự thay đổi này, bởi lẹ mùa hè các năm gần đây đã trải mang đến cơn nắng nóng kéo dài chưa từng thấy.
Diana Snowden Seysses từ Burgundy, Pháp, nơi nổi tiếng với ngành sản xuất rượu vang, cho biết: “Năm ngoái, vườn nho của gia đình tôi ở Napa Valley đã mất khoảng một nửa sản lượng do nhiễm khói từ cháy rừng.” Tình trạng sương muối bất thường tại Burgundy cũng đã gây thiệt hại cho nhiều người trồng nho, và sản lượng rượu vang ở Pháp dự kiến sẽ giảm gần 30% trong năm nay.
Trước những thử thách này, các nhà sản xuất đang tìm cách thay đổi phương thức canh tác. Vài người trong số họ đã áp dụng phương pháp cắt tỉa chậm để giảm thiểu thiệt hại do sương muối bằng cách giữ lại những chồi non nhằm làm chậm sự phát triển của cây, từ đó bảo vệ các chồi có nguy cơ bị thiệt hại. Bên cạnh đó, việc trồng các cây ăn trái xung quanh cũng đang được triển khai nhằm cung cấp bóng râm và độ ẩm cho cây nho trong những ngày nóng bức, tuy nhiên, họ cũng phải chú ý tuân thủ quy định về bảo vệ di sản UNESCO.
Tại Oregon, Casteel đã phải thay đổi quy mô vườn nho của mình và giảm xuống còn 2,5 mẫu để dễ dàng quản lý sản xuất. Bà đầu tư vào bảo hiểm khói và hướng tới sản xuất các loại rượu vang trắng, từ đó điều chỉnh quy mô kinh doanh cho phù hợp hơn với điều kiện mới.
Trong những năm gần đây, nhiều nhóm hoạt động đã được thành lập để hỗ trợ các chủ vườn nho đối phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu. Porto Protocol, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có mục tiêu làm cho ngành công nghiệp rượu vang trở nên bền vững hơn, đã cung cấp cho các thành viên tài
nguyên cần thiết để giải quyết vấn đề khí hậu. Những người sống ở những khu vực dài ngày khô hạn có thể chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp tưới tiêu hoặc giống nho có khả năng phát triển trong điều kiện thiếu nước. “Không còn thời gian hay tài nguyên để lãng phí trong cuộc chiến chống lại khí hậu. Chúng ta cần hợp tác với nhau theo mô hình của một ngành công nghiệp thực sự” – Marta Mendonça, Giám đốc Porto Protocol, nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp rượu vang đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, khi mà những thách thức từ khí hậu không chỉ đe dọa sản xuất mà còn ảnh hưởng đến di sản văn hóa và nền kinh tế của nhiều vùng sản xuất. Việc thích ứng và đổi mới sẽ là chìa khóa cho sự tồn tại của ngành công nghiệp lâu đời này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tất cả là để những giọt rượu tinh túy tiếp tục được chưng cất và lưu truyền lại trên thế gian.