Năm 2023, một trong những chủ đề nổi bật trong lĩnh vực kiến trúc chính là sự bền vững. Các ngày hội kiến trúc và thiết kế trên toàn cầu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và các phương pháp xây dựng bền vững, qua đó khuyến khích các công ty áp dụng các phương pháp thiết kế thân thiện với môi trường trong những dự án thiết kế và xây dựng hiện tại lẫn tương lai. Giữa bối cảnh ấy, triển lãm của kiến trúc sư người Ý Mario Cucinella tại Lễ hội Kiến trúc Thế giới (WAF) đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Triển lãm mang tên “Tương lai là hành trình về quá khứ” tựa như thước phim theo dòng thời gian, mô tả các phương thức xây dựng bền vững từ thời kỳ cổ đại đến hiện tại.
Triển lãm này, được tài trợ bởi nhà sản xuất thiết bị vệ sinh và bếp sang trọng Gessi, không chỉ nhấn mạnh đến việc sử dụng vật liệu một cách có chọn lọc và nỗ lực tiết kiệm nước, mà còn làm nổi bật những sự kiện văn hóa quan trọng đã ảnh hưởng đến nhận thức về môi trường của chúng ta xuyên suốt lịch sử. Điều đặc biệt ở triển lãm là sự tập trung vào kiến trúc bản địa và nhấn mạnh rằng cách tiếp cận từ dưới lên phải được xem xét như một nhu cầu của con người thay vì là một khoản đầu tư hướng tới lợi nhuận.
Cucinella nhận định rằng chìa khóa cho một tương lai bền vững nằm ở cách chúng ta xây dựng và khôi phục mối quan hệ giữa môi trường xây dựng và thế giới tự nhiên. Ông cho rằng chúng ta đã đánh mất cách tiếp cận xây dựng theo phương thức bền vững, và điều cần thiết là phải quay trở lại cội nguồn của kiến trúc. Theo ông, mối “quan hệ bạn bè” của chúng ta với thế giới tự nhiên đã bị tổn hại, nhưng không có nghĩa là con người và thiên nhiên hoàn toàn không thể hòa hợp. Việc tìm ra một cách thức xây dựng tốt hơn cần đóng vai trò là chìa khóa cho các nỗ lực bền vững của chúng ta.
Điểm thách thức lớn nhất trong nỗ lực này không phải là kỹ thuật chọn vật liệu và hệ thống xây dựng, mà là sự thay đổi văn hóa trong toàn ngành để thúc đẩy mục tiêu chung này. Cucinella nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi văn hóa, sẽ không có cách nào để thay đổi thế giới. Ông nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay đang rất quan tâm đến hoạt động thiết kế, bảo tồn thiên nhiên và xây dựng những công trình thực sự cần thiết, chứ không phải tạo ra những thứ không cần thiết.
Mặc dù Cucinella không hoàn toàn phản đối việc sử dụng công nghệ hiện đại, ông nhấn mạnh rằng cần phải tìm ra sự cân bằng giữa những gì có sẵn trong tự nhiên và những gì công nghệ có thể cung cấp. Ông cho rằng công nghệ sẽ là một phần của giải pháp, nhưng không phải là giải pháp duy nhất.
Không chỉ dừng lại ở những nỗ lực của các kiến trúc sư cá nhân và các công ty nhỏ, Cucinella cũng nhận thấy rằng ngành công nghiệp lớn đang dần thay đổi trong bối cảnh này. Nhiều công ty lớn đã bắt đầu tuyển dụng các quản lý chuyên về mục tiêu bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các dự án thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các bên liên quan khác trong việc thúc đẩy sự thay đổi văn hóa này. Ở Châu Âu, các ngân hàng không cung cấp cho bạn khoản vay đầu tư nếu bạn không giải thích được cách tiếp cận bền vững của mình.
Triển lãm của Cucinella không chỉ đơn thuần bảo vệ thiên nhiên mà còn xem thiên nhiên như một nguồn cảm hứng sáng tạo. Những kiến trúc tự nhiên của côn trùng như tổ mối và tổ ong, hay những cấu trúc động thực vật, đã trở thành nền tảng cho rất nhiều công trình của con người. Các công trình của ông đã thành công chứng minh rằng ngay cả trong những bối cảnh khắc nghiệt như Dải Gaza, nơi mà việc tiếp cận nguồn năng lượng và nước sạch gặp rất nhiều giới hạn, thì việc triển khai các giải pháp bền vững vẫn có thể được thực hiện hiệu quả. Công trình “Trường Xanh” ở Gaza đã đi tiên phong trong việc thông gió và thu thập nước mưa cho mục đích dự trữ. Qua đó, triết lý thiết kế bền vững của Mario Cucinella không chỉ là một chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn là một di sản văn hóa để truyền tải cho thế hệ sau, khuyến khích mọi người quay về với những giá trị cốt lõi, học hỏi từ quá khứ để xây dựng một tương lai mà trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa.