Ban đầu, tính năng phát quang được ứng dụng từ Thế chiến thứ nhất để giúp người dùng dễ dàng xem giờ trong bóng tối hoặc dưới nước. Nhưng theo thời gian, sự phát quang không chỉ là công cụ mà còn trở thành một phần thiết kế tinh tế trên mội chiếc đồng hồ, gợi lên cảm giác hoài niệm và kết nối cảm xúc.
Công nghệ phát sáng qua từng giai đoạn
Ngày xưa, khi các thiết bị điện không phổ biến như hiện nay, người ta rất cần có những mẫu đồng hồ có thể hiển thị giờ ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc tầm nhìn hạn chế. Do đó công nghệ phát sáng trên đồng hồ ra đời và đã trải qua nhiều bước phát triển quan trọng theo thời gian.
Ban đầu, radium kết hợp với kẽm sulfide được sử dụng từ Thế chiến thứ nhất, mang lại ánh sáng liên tục nhưng lại cực kỳ nguy hiểm do tính phóng xạ cao, dẫn đến lệnh cấm sử dụng vào năm 1968. Sau đó, tritium ra đời như một giải pháp thay thế an toàn hơn, phổ biến trên đồng hồ quân sự nhưng vẫn không phải phương án tối ưu, bởi chu kỳ bán rã 12 năm và ánh sáng của nó sẽ mờ dần theo thời gian.
Năm 1993, Super-LumiNova, vật liệu phát sáng không phóng xạ, đã được phát minh bởi nhà hóa học Nhật Bản Kenzo Nemoto. Đây là bước ngoặt lớn giúp giải quyết vấn đề về an toàn và hiệu quả. Công nghệ này liên tục được cải tiến, với phiên bản X1 hiện nay sáng hơn và bền hơn nhiều.
Gần đây, Lumicast, vật liệu phát sáng đúc 3D, ra đời. Thay vì chỉ sơn hoặc dán lớp phát sáng lên bề mặt, công nghệ này cho phép “đúc” hoặc in trực tiếp các chi tiết phát sáng với hình dạng tùy ý, đẹp và chính xác hơn. Nhờ đó, mặt số không chỉ dễ nhìn trong bóng tối mà còn có thiết kế độc đáo, tinh tế hơn. Song song với đó, tritium đã được cải tiến và quay lại dưới dạng các ống thủy tinh nhỏ, phát sáng mạnh hơn và bền lâu mà không cần sạc ánh sáng như Super-LumiNova. Công nghệ LED hiện đại cũng đang được thử nghiệm, mang đến ánh sáng mạnh và đồng đều. Hệ thống này sử dụng một “micro-generator” (máy phát năng lượng nhỏ) cơ học để tích trữ năng lượng, và sau đó sử dụng năng lượng này để chiếu sáng các đèn LED (Light Emitting Diode – Đi-ốt phát quang). Tuy nhiên, hệ thống này cần được nạp lại bằng năng lượng cơ học qua thao tác lên cót đồng hồ.
Nhìn chung, tiến bộ lớn nhất trong công nghệ phát sáng đồng hồ chính là việc loại bỏ các nguy cơ về sức khỏe, không chỉ đối với người sử dụng mà đặc biệt là đối với công nhân trong quy trình sản xuất. Ngành công nghiệp đồng hồ đã chuyển mình từ việc sử dụng vật liệu nguy hiểm ban đầu sang các giải pháp an toàn, hiệu quả và sáng tạo hơn.
Những giá trị ẩn của đồng hồ phát sáng
Ngày nay, phát sáng không chỉ để phục vụ thực tiễn mà còn trở thành yếu tố thẩm mỹ. Từ các chi tiết nhỏ trên vành bezel, núm vặn hay đường chỉ khâu trên dây đeo, đến cả mặt số và vỏ phát sáng, các thương hiệu như Panerai, Rolex hay các nhà thiết kế độc lập như Stepan Sarpaneva đã tận dụng tối đa tiềm năng của lume.
Một mẫu đồng hồ tiêu biểu nhà Panerai là mẫu đồng hồ PAM 632 thuộc bộ sưu tập Luminor Marina. Đây là chiếc đồng hồ nam lên dây cót thủ công, kết hợp hài hòa giữa phong cách cổ điển và nét thể thao hiện đại. Với khả năng trữ cót lên đến 8 ngày, mặt số nâu sẫm sang trọng và vỏ thép không gỉ chắc chắn, PAM 632 còn nổi bật nhờ sử dụng vật liệu phát sáng Luminor. Chất liệu này được tích hợp trên cọc số, kim và các con số trên mặt đồng hồ, giúp người dùng dễ dàng xem giờ ngay cả trong bóng tối. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc lume không chỉ phục vụ nhu cầu thực tiễn mà còn tạo điểm nhấn thẩm mỹ đầy tinh tế.
Một trong những nhà chế tác đồng hồ hiếm hoi người Phần Lan, Stepan Sarpaneva, có phong cách thiết kế và cách tiếp cận rất cá nhân đối với các sản phẩm của mình. Một trong những chủ đề tái hiện thường xuyên trong các thiết kế của ông là Mặt Trăng như một hình ảnh tự họa. Nhà thiết kế người Phần Lan này còn nổi tiếng với việc sử dụng rộng rãi Super-LumiNova, làm nổi bật vẻ đẹp của hầu hết các chiếc đồng hồ của ông vào ban đêm và gia tăng sự hiện diện của vệ tinh tự nhiên của chúng ta. Mẫu thiết kế mới nhất của ông là Sarpaneva Nocturne, cũng một lần nữa lấy cảm hứng từ Mặt Trăng. Sarpaneva Nocturne sẽ có hai phiên bản khác nhau, một phiên bản với mặt trăng phát sáng màu trắng (phiên bản White Moon) và một phiên bản với mặt trăng phát sáng màu cam (phiên bản Harvest Moon).
Ngoài ra, đồng hồ phát sáng có một sức hút mà bạn không thể có được từ ánh sáng của đồng hồ chạy pin. Với các tín đồ yêu đồng hồ, có lẽ đó là ký ức thời thơ ấu khi sạc tính năng phát sáng của đồng hồ và thấy nó phát sáng kể cả khi nằm dưới tấm chăn, Maximillian Büsser, nhà sáng lập MB&F, chia sẻ.
Dù việc ứng dụng lume vào thiết kế không hề dễ, hiệu ứng phát sáng này khiến đồng hồ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết vì nó làm ta có cảm giác như đang ở trong một bộ phim điện ảnh, như khi nhìn bảng điều khiển ô tô vào ban đêm, Thomas Hohnel, nhà thiết kế sản phẩm cấp cao của Nomos, chia sẻ.
Từ thực tiễn đến nghệ thuật và cảm xúc
Những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ phát sáng không chỉ đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, mà còn đưa đồng hồ lên một tầm cao mới về nghệ thuật và cảm xúc. Với ánh sáng phát ra trong bóng tối, mỗi chiếc đồng hồ không chỉ đo thời gian, mà còn trở thành một người bạn đồng hành, lưu giữ những khoảnh khắc kỳ diệu của người đeo.