Là một quý cô tài năng với rất nhiều vai trò khác nhau như doanh nhân, nghệ sỹ, sinh viên, nhà khoa học, v.v.. thế nhưng điều khiến Anabel Poh tự hào nhất lại chính là kiến thức cũng như hiểu biết sâu rộng của cô trong ngành dệt may. Làm việc trong lĩnh vực đổi mới vật liệu bền vững, Poh là nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Uncolour Studios, nơi cô đang phát triển các loại mực in lụa có khả năng phân hủy sinh học và dựa trên nguồn gốc sinh học. Với tư cách là nhà phát triển vật liệu tại The New Materialist, cô cũng đang nghiên cứu một loại chất phủ có nguồn gốc sinh học và có khả năng phân hủy sinh học có nguồn gốc từ các sản phẩm phụ nông nghiệp.
Thế nhưng, dựa trên kinh nghiệm và kiến thức trong ngành, Poh lại ngậm ngùi khẳng định rằng: “Tôi không tin có một loại vật liệu bền vững!”. Điều này nghe có vẻ quá mâu thuẫn, thế nhưng cô khẳng định rằng rất nhiều bước trong quy trình công nghiệp đến nỗi khiến cho một vật liệu “bền vững” không còn có khả năng tái chế hoặc phân hủy sinh học nữa. Vậy nên, không phải mọi thứ đến từ tự nhiên đều bền vững, và không phải mọi thứ có nguồn gốc sinh học đều có khả năng phân hủy sinh học.
Trước rất nhiều thông tin sai lệch về khái niệm thế nào là sự “bền vững” thật sự, nhà nghiên cứu trẻ đã tập trung nỗ lực hướng tới sự bền vững liên quan đến toàn bộ ngành dệt may. Đó là một nhiệm vụ to được cô gái người Singapore bắt tay vào thực hiện ở một góc thế giới của mình tại Eindhoven, Hà Lan. Poh bắt nguồn từ tình yêu dệt may của mình từ di sản Peranakan, nghệ thuật kết cườm và cách vẽ nên các họa tiết trang phức cầu kỳ phức tạp. Mãi rất lâu sau đó, khi cô đến Học viện Thiết kế Eindhoven để lấy bằng cử nhân về thiết kế công nghiệp và sản phẩm, cô mới khám phá thêm không chỉ sức mạnh truyền cảm hứng của thời trang mà còn cả bản chất gây ô nhiễm lên thế giới của nó. Khi ấy, cô gái trẻ tự hỏi mình “tại sao những thứ xinh đẹp như thế này lại gây hại đến môi trường một cách khủng khiếp như vậy?”
Đau đáu với câu hỏi này như vậy, thế nhưng con đường Poh bước chân vào mảng đổi mới vật liệu bền vững không phải lúc nào cũng nằm trong kế hoạch. Có thời điểm, cựu sinh viên Trường Nghệ thuật Singapore dường như đã quyết tâm trở thành một nghệ sĩ và nhà thiết kế. Tác phẩm sắp đặt tốt nghiệp của cô khi ấy được tạo ra bằng những chiếc khăn lụa tái tạo từ mẫu khăn Petit H, sử dụng vật liệu dư thừa trong quá trình nhà mốt Hermès sản xuất. Thế nhưng, khi tính bền vững bắt đầu gắn liền với nhiều tác phẩm của mình, Poh nhận ra rằng cô sẽ tự hạn chế bản thân nếu chỉ làm nghệ thuật và thiết kế đơn giản.
Khi làm việc tại Học viện Thiết kế, Poh nhận thấy rằng phương pháp in lụa thông thường đòi hỏi phải rửa mực tổng hợp và thải và nguồn nước rất nhiều hạt vi nhựa. Cô nảy ra câu hỏi tại sao không có loại mực nào có thể mang lại lợi ích cho ngành in lụa? Điều này đã trở thành chất xúc tác cho việc thành lập Uncolour Studios, một công ty khởi nghiệp đang cố gắng sản xuất và mở rộng quy mô sản phẩm mực gốc sinh học và có thể phân hủy sinh họ.
Cả cô và người đồng sáng lập Sarah Roseman đều không có nền tảng về hóa học, nhưng với sự hỗ trợ của một khóa học mỹ phẩm trực tuyến, Poh và các cộng sự miệt mài phát triển công thức mực tự nhiên được pha chế từ các thành phần như hoa cúc vạn thọ. Poh cũng đồng thời đang theo học thạc sĩ tại Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion về phát triển dệt may đổi mới – điều này đã mang lại cho cô cơ sở khoa học để tổng hợp các nghiên cứu sẵn có, trò chuyện cùng với các nhà hóa học và nhà sản xuất, cũng như tìm ra các vật liệu mới. Tuy nhiên, cô cũng cho biết rằng ngành dệt may có rất ít sự cải tiến và hầu hết đều bị mắc kẹt với các loại máy móc cũng như vật liệu xưa cũ. Và cô hi vọng mình sẽ trở thành người tiên phong tạo nên bước đột phá, cũng nhất gắn kết mọi thứ rời rạc lại với nhau để mang đến kỳ tích.