Từ khi được ra mắt vào năm 1972 cho đến nay, Royal Oak đã trở thành biểu tượng không chỉ
của Audemars Piguet mà còn của ngành đồng hồ đương đại thế giới. Kỉ niệm 40 năm ra mắt
dòng Royal Oak đầu tiên dành cho phái đẹp, Audemars Piguet đã trình làng phiên bản
Frosted Gold, hợp tác với nhà thiết kế trang sức Carolina Bucci, khai thác lại một kĩ nghệ cổ
có tên là Florentine.
Vì sao lại là Florentine?
Vùng Florence của nước Ý trong suốt thế kỉ 12 là một đô thị hàng đầu thế giới, với nền kinh tế
hưng thịnh. Lịch sử của kĩ nghệ Florentine nói 1 cách khác chính là lịch sử của nền kinh tế khu
vực này. Nơi đây là một trong ba nền thương mại hùng mạnh tới mức có thể đúc đồng tiền vàng
riêng để giao tế. Đồng tiền vàng Florin thời đó có giá trị quan trọng tương tự như đồng đô la Mỹ
ngày nay. Chính là từ cột mốc này mà nghề làm vàng ở Florence phát triển một cách nở rộ, từ
các kĩ nghệ đơn giản như mạ vàng lá lên các bức tranh, khung tranh, cho đến sự phát triển của
hàng trăm các kĩ nghệ đặc trưng của vùng này như khắc burin, “niello”, “cesoro”…. Sự hưng
thịnh của nghệ thuật chế tác vàng ở Florence kéo dài vài thế kỉ và ngày nay còn nhiều dấu tích tại
các công trình tôn giáo thiêng liêng, bảo tàng và tượng điêu khắc quý.
Một nét đặc trưng của các kĩ thuật Florence là họ sử dụng các dụng cụ thủ công để trang trí vàng
bằng nhiều hình thức, không chỉ ở chạm trổ hoa văn như thường thấy trong các cách chế tác
vàng của các quốc gia khác. Tại đây họ sử dụng nhiều đường xước, đường kẻ và chi tiết dập thật
đều đặn và chính xác, tạo thành một bề mặt tinh tế mà ấn tượng. Ngày nay trang sức vàng của Ý
vẫn có uy tín mạnh trên thế giới và các gia đình làm kim hoàn đa phần vẫn giữ cách làm cha
truyền con nối, cố gắng đưa lại những kĩ thuật này cho lớp trẻ vì vậy những ngón nghề này được
bảo tồn riêng trong nước Ý mà thôi. Tuy nhiên, phải thừa nhận là vì thế mà các kĩ thuật cổ xưa
quý giá này chưa được biết đến rộng rãi trên thế giới trong thế kỉ 21, cho đến khi ông lớn
Audemars Piguet tôn vinh và đưa vào bộ Royal Oak Frosted Gold.
Kĩ nghệ Florentine trên Royal Oak
Huyền thoại Royal Oak được khai sinh dưới ngòi bút thiết kế của phù thuỷ Gerald Genta vào
năm 1972 và đến năm 1976 thì phiên bản đầu tiên dành cho phái đẹp được trình làng, với sự phát
triển tiếp nối bởi nhà thiết kế đồng hồ nữ Jacqueline Dimier. Tinh giảm bớt những chi tiết nam
tính nhưng không đánh mất đi thiết kế đặc trưng của Royal Oak, mỏng hơn, nhẹ hơn, thanh lịch
hơn là những gì mà Royal Oak của Jaqueline Dimier hướng tới. Năm 2016, hơn 40 năm sau,
thương hiệu đồng hồ gạo cội nhất của làng Le Brassus, vùng đất của những nghệ nhân bậc thầy –
Audemars Piguet đã một lần nữa nâng tầm những thiết kế này bằng cách mời một nghệ nhân kim
hoàn người Ý, Carolina Bucci tới cùng đóng góp những kĩ nghệ đặc biệt vào di sản của Royal
Oak.
Thực ra có rất nhiều cách mà các nhà chế tác đồng hồ đã ứng dụng lên những cỗ máy chỉ thời
gian mang thương hiệu Thuỵ Sĩ hàng trăm năm qua, chẳng hạn như chạm khắc, đánh bóng,
Guilloche hay Côte de Genève. Nhằm tôn vinh môn kĩ thuật bí truyền của Florence, tinh hoa của
người Ý đồng thời cũng là nơi rực rỡ nhất trong chế tác vàng hàng trăm năm qua, Audemars
Piguet đã chọn kĩ nghệ Florentine để đưa vào bộ sưu tập Royal Oak, một bữa tiệc thị giác, như
một dòng sông ngân hà ấm áp trên vàng hồng hay như những giọt sương giá dưới ánh trăng trên
vàng trắng. Nữ nghệ nhân kim hoàn Bucci là thế hệ thứ 4 điều hành công ty trang sức gia đình cô
được thành lập vào năm 1885, chỉ 10 năm sau khi Jules Louis Audemars và Edward Auguste
Piguet thành lập Audemars Piguet.
Bucci sở hữu chiếc Royal Oak đầu tiên là món quà của chồng cô nhân dịp sinh nhật 35 tuổi và đã
gắn bó với chiếc đồng hồ trong nhiều năm sau đó. Nhân duyên tiếp theo là khi Bucci được người
bạn chung tình cờ giới thiệu với CEO của Audemars Piguet, ngài Francois – Henry Bennahmias,
ông đã mời cô vượt đường dài tới thăm nhà máy của thương hiệu tại Le Brassuss. Và thế là hành trình đưa kĩ nghệ gia truyền giàu lịch sử vào với những thiết kế thanh mảnh của Royal Oak để tạo ra những chiếc đồng hồ nữ tuyệt vời bắt đầu.
Cách mà Bucci tạo nên sự khác biệt cho Royal Oak đó chính là khai thác khía cạnh mờ của vàng.
Ngạc nhiên thay vàng mờ bắt sáng như một viên kim cương được cắt tỉa cẩn thận, lấp lánh như
một viên đá quý chứ không phải là bề mặt kim loại thuần tuý, tạo nên những tuyệt phẩm đặc biệt.
Để rèn vàng, Bucci dùng búa gõ lên một công cụ có mũi nhọn bằng kim cương siêu nhỏ, để tạo
ra những vết lõm nhỏ trên bề mặt, tạo hiệu ứng như hàng trăm hạt bụi kim cương li ti đang bám
trên bề mặt vàng. Cảm giác khi chạm vào bề mặt sau khi xử lý Florentine là sự thô ráp nhẹ,
nhưng vì lực đâm và độ sâu của các vết lõm là vô cùng cân bằng nên tổng thể có sự mượt mà
đáng ngạc nhiên.
Từ thử nghiệm tới chế tác thực thụ
Ban đầu Bucci thử áp dụng kĩ thuật Florentine lên từng mảnh của chiếc Royal Oak ở trạng thái
tháo rời, bộ vỏ, vòng bezel và từng mắt dây. Khi Audemars Piguet nhận lại các linh kiện này họ
lắp ráp và phản hồi rằng nó có độ nhám quá lớn, cần phải tiếp tục hoàn thiện và Bucci lại làm
việc tiếp. Khoảng 1 năm trôi qua và cần 7 lần như vậy thì bản prototype đầu tiên mới được phê duyệt. Sở dĩ Audemars Piguet và Bucci phải thử nghiệm nhiều đến vậy vì họ muốn bề mặt vàng
bắt sáng lấp lánh tuyệt vời nhất nhưng lại mịn màng, thanh lịch và quan trọng nhất là phải vẫn
giữ được những được nét định dạng lên Royal Oak, vì thế các vị trí cạnh không dễ chế tác.
Các bề mặt duy nhất vẫn giữ nguyên là ở phía trong mặt dây, logo “AP” ở phần khóa dây, mặt
lưng, các mặt vát của bezel, và quan trọng hơn hết là các mặt vát của dây đeo. Ở những phần đó,
các góc cạnh đươc đánh bóng tỉ mỉ và càng làm nổi bật phần Frosted Gold hơn, với bề mặt lấp
lánh như kim cương.
Sau khi tạm hài lòng với phiên bản mẫu, họ lại tiếp tục nghiên cứu công cụ đưa lên cấp độ máy
móc để giải quyết sơ chế ở công đoạn đầu, sau đó mới tới các nghệ nhân hoàn thiện bằng tay như
vát cạnh, nắn nót các chi tiết cuối. Từ nguyên mãu cho tới sản phẩm cuối cùng là một thách thức
khá lớn, đặc biệt bởi Royal Oak có bộ dây vàng khối, phải làm sao để tạo ra được cái nhìn liền
mạch ở mọi góc độ. Vì trở ngại kĩ thuật này mà tuy không phải là phiên bản giới hạn nhưng số
lượng những chiếc Audemars Piguet Frosted được sản xuất không thể quá nhiều.
Audemars Piguet Royal Oak Frosted Gold
Bộ sưu tập khai thác hai chất liệu vàng trắng và vàng hồng. Cả hai phiên bản vàng hồng và vàng
trắng đều sở hữu hoạ tiết Grande Tapisserie, với tông Rhodium hoặc tông Bạc, đi cùng ô ngày ở hướng 3 giờ. Các phiến chỉ giờ đều thanh mảnh và cân đối với mặt đồng hồ. Kích thước vừa vặn 33mm hoặc 37mm, với độ dày chỉ 7mm tuy nhiên chắc chắn là những phiên bản này sẽ có độ
đầm tay đáng kể bởi đây hoàn toàn là vàng khối.
Hai mẫu đồng hồ Frosted Gold đầu tiên được ra mắt với hai kích thước 33mm và 37mm, và hai
phiên bản từ vàng hồng và vàng trắng cho mỗi kích thước. Trong khi phiên bản 33mm sử dụng
bộ chuyển động Quartz thì bản 37mm có lẽ sẽ được quan tâm hơn khi được trang bị bộ máy tự
động Caliber 3120. Mặc dù vậy thì chắc chắn rằng mọi sự quan tâm dành cho chiếc đồng hồ sẽ
được tập trung vào chi tiết Frosted Gold vô cùng ấn tượng trên gần như toàn bộ bề mặt. Và chỉ ít
lâu sau khi ra mắt, giới mộ điệu đã không phải đợi chờ quá lâu từ Audemars Piguet khi phiên bản
41mm chỉ sử dụng vàng trắng cùng mặt đồng hồ xanh dương được ra mắt, với số lượng giới hạn
chỉ 200 chiếc trên toàn thế giới.
Sự tái hiện kỹ thuật Florentine cổ xưa trên thiết kế đồng hồ đương đại Royal Oak Frosted Gold
đã mang đến làn gió mới cho ngành đồng hồ xa xỉ, đồng thời khẳng định những giá trị cốt lõi
được Audemars Piguet xây dựng và gìn giữ trong hơn 140 năm qua.