Smartphone ngày càng mạnh mẽ nhờ vào việc nâng cấp cải tiến liên tục từ phần mềm cho đến phần cứng. Do vậy, điện thoại gần như thay thế cho rất nhiều thiết bị khác như: máy nghe nhạc chất lượng cao, máy chụp ảnh, máy quay phim, thậm chí là máy tính cá nhân khi có nhu cầu.
Theo xu hướng đó, các hãng sản xuất phụ kiện cao cấp đã lần lượt giới thiệu nhiều phụ kiện chuyên dụng khiến smartphone trở thành thiết bị không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn phục vụ cho nhu cầu kinh doanh hoặc giúp mọi người dễ dàng tạo ra những đoạn phim tưởng chừng không thể thực hiện được.
Từ nhu cầu thị trường
Bắt nguồn từ thói quen của người dùng thích chụp ảnh hoặc quay phim trên smartphone và một trong những điều khó chịu là đoạn phim thường bị rung, nhòe hình ảnh do người quay phim không chuyên. Do vậy năm 2015, hãng phụ kiện DJI đã thiết kế nên gậy chống rung DJI Osmo Mobile được nhiều người ưa chuộng. Đến nay, sự thành công của sản phẩm đã khiến hàng loạt các thương hiệu nổi lên như: Zhiyun, Roxant, FeiyuTech, LanParte, KumbaCam… tham gia vào thị trường này với giá bán khá cao, trung bình từ 4 – 10 triệu đồng/bộ gimbal chống rung cho smartphone.
Về cơ bản, bộ phụ kiện gimbal cho smartphone là một dạng gậy cầm trên tay tương tự như trào lưu gậy selfie tự sướng trong những năm gần đây. Tuy nhiên điều làm cho sản phẩm cao cấp hơn chính là nguyên lý thiết kế.
Các sản phẩm này lấy ý tưởng từ các bộ công cụ chống rung chuyên nghiệp dành cho các nhà sản xuất phim của Hollywood, bao gồm một bộ khung treo để móc smartphone vào. Bộ khung treo này được làm bằng nhựa chịu lực và tại mỗi đầu trục kết nối với những bộ mô tơ cảm biến gyroscope (con quay hồi chuyển) theo 3 trục đồ thị (ngang/dọc/xoay nghiêng).
Điều này có nghĩa là khi smartphone được móc vào thiết bị sẽ ở trạng thái “treo lơ lửng” giữa 3 trục “chống rung” ổn định hình ảnh trên màn hình điện thoại nên người dùng không cần phải lo lắng việc quay phim không chuyên hoặc các chịu chứng mỏi tay, xoay cổ tay thì hình ảnh sẽ bị nghiêng theo.
Thâm chí khi cầm gimbal người dùng có thể vừa chạy bộ, ngồi xe máy hoặc quay phim ở những tư thế đặc biệt thì hình ảnh vẫn ổn định không bị rung hoặc nhòe nét vì nhờ hệ thống chống rung 3 trục tự động cân bằng.
Nhiều tiện ích cho giải trí và kinh doanh
Đây chính là điểm hấp dẫn nhất của thiết bị vì người dùng không cần phải có những máy quay phim chuyên nghiệp. Trước đây, khi thực hiện các đoạn tin ngắn với hình ảnh hoặc tham gia sự kiện cần quay phim tư liệu thì các đài truyền hình sẽ tốn một người quay phim và một biên tập viên nhưng với công nghệ hiện đại thì một bộ gimbal kết hợp với smartphone cao cấp như Samsung S7, S8 hoặc iPhone 6,7 thì người dùng tự mình có thể thực hiện công việc của 2 người vừa ghi nhận thông tin vừa quay phim luôn.
Đặc biệt theo xu hướng của công nghệ đang rất ưa chuộng hiện nay là hình thức truyền hình trực tuyến (livestream) thông qua các ứng dụng như Facbook, Youtube… nên việc sử dụng gimbal kết hợp với smartphone đang được các người dùng ưa thích hơn vì không còn tình trạng mỏi tay khi cầm, rung hình, nhòe nét nên chất lượng hình ảnh tốt hơn rất nhiều.
Và đề chiều chuộng người dùng nhiều hơn, các hãng sản xuất gimbal còn tung ra các bộ phụ kiện kết hợp với gimbal để đảm bảo hơn cho hình ảnh và âm thanh không thua kém gì các máy quay chuyên nghiệp.
Chẳng hạn một bộ phụ kiện lắm thêm vào gimbal như: camera chuẩn Full HD tích cảm biến và có thể xoay “bốn phương tám hướng”, bộ đèn LED giúp tăng sáng cho phạm vi 3m, bộ micro lọc âm thanh hướng về đối tượng loại bỏ các tạp âm môi trường. Và giá trang bị bộ phụ kiện cũng khoảng 20 triệu đồng/bộ.
Các thiết bị gimbal có giá khá cao vì có thiết kế đặc biệt do sử dụng các mô tơ cảm biến tự động cân bằng khá đắt tiền. Ngoài ra, bên trong được tích hợp pin, kết nối bluetooth dùng để giao tiếp với điện thoại điều khiển thông qua các ứng dụng riêng của từng hãng cho nên đây có thể được xem là một nhóm sản phẩm chỉ phù hợp cho người dùng am hiểu công nghệ.
Đa số các người dùng trẻ đam mê công nghệ bắt đầu chuyển sang các thiết bị này, thậm chí nhiều cá nhân hoặc đơn vị chuyên sản xuất các nội dung trên Youtube hoặc Facebook đã và đang đầu tư sang các thiết bị này vì chi phí đầu tư thấp hơn nếu so với các máy quay phim chuyên dụng.
Hơn nữa công đoạn xử lý cũng đơn giản hơn vì các thiết bị smartphone đều cho phép chỉnh sửa trực tiếp. Quản lý một công ty sự kiện cho biết: “Thường chi phí thuê quay phim khoảng từ 5-10 triệu/lần thế nhưng từ khi chuyển sang đầu tư các thiết bị này tôi có thể tạo ra các đoạn phim truyền hình trực tuyến được nhiều người xem hơn, hiệu ứng truyền thông khá tốt, đem lại giá trị kinh doanh tốt hơn và đặc biệt khách hàng họ cũng rất thích bởi sự kiện lập tức được truyền hình qua mạng tạo được tiếng vang nhanh hơn so với quay và chỉnh sửa tốn thời gian nhiều hơn.
Đây có thể là xu hướng tiêu dùng mới cho những năm bùng nổ công nghệ sắp tới khi mà nhu cầu chia sẻ thông tin bằng các đoạn phim trực tuyến đang là trào lưu được các đại gia công nghệ như: Google và Facebook đang khuyến cáo người dùng nhiều hơn.
Thế nhưng, việc sử dụng gimbal cho smartphone cũng cần thận trọng ở những chốn đông người vì có thể trở thành “mồi ngon” cho những tay trộm cướp thích “đua hàng nóng” vì hiện tại các gimbal chỉ mới thiết kế treo móc điện thoại chứ chưa tạo được chốt khóa an toàn kết nối với thiết bị như các sản phẩm laptop trước đây.