12Vẫy vùng trong thế thời trang xa hoa, Christian Dior không chỉ là một nhà thiết kế tài ba mà còn là một người đàn ông có niềm tin tâm linh mãnh liệt. Những biểu tượng may mắn được ông tin tưởng và sử dụng trong thiết kế của mình đã trở thành những dấu ấn không thể thiếu của thương hiệu này. Trong đó, linh lan (lily of the valley) không chỉ là một loài hoa mà còn là biểu tượng của sự hồi sinh, hy vọng và sự may mắn.
Hoa linh lan được biết đến tại châu Âu từ thế kỷ 16, từ đó nhanh chóng trở thành một trong những loài hoa yêu thích của người Pháp. Tượng trưng cho may mắn và sự tươi mới mang theo hơi thở mùa xuân, hoa linh lan trở thành món quà đầy ý nghĩa được trao tay vào mỗi ngày 1 tháng 5 hàng năm. Truyền thống này bắt đầu từ thời vua Charles IX, và từ đó, hoa linh lan đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Pháp. Dựa trên tình yêu với loài thực vật xinh đẹp này, Dior đã biến hoa linh lan thành một biểu tượng mạnh mẽ, thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh của tự nhiên cũng như hạnh phúc và yêu thương.
Christian Dior luôn mang theo bên mình một chiếc hộp cổ chứa hoa linh lan, và người ta vẫn thường bắt gặp người đàn ông hào hoa này cài một nhánh hoa nhỏ xinh lên ve áo. Để đảm bảo rằng hoa linh lan luôn có sẵn trong suốt cả năm, Dior đã chỉ định người làm vườn của mình tại Paris trồng loài hoa này liên tục. Mỗi dịp ngày 1 tháng 5, ông đều dành tặng hoa cho những người thợ thủ công tài năng đã giúp ông đưa những thiết kế haute couture tuyệt đẹp lên sàn diễn. Họ được gọi là là những “bàn tay nhỏ” mà Dior luôn trân trọng.
Năm 1947, Dior đã công bố bộ sưu tập haute couture đầu tiên của mình và giới thiệu “New Look” – phong cách thời trang hoàn toàn mới, nổi bật với vai tròn, eo nịt và chân váy bồng bềnh. Tại 30 Avenue Montaigne, nơi diễn ra buổi trình diễn bộ sưu tập, không gian được lấp đầy bởi những bó hoa linh lan như lời nhắn gửi may mắn lồng ghép vào từng thiết kế. Hơn nữa, mỗi bộ sưu tập đều được gắn một nhánh hoa linh lan khô ở gấu váy, tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật và bản sắc tình yêu của thương hiệu.
Năm 1954, hoa linh lan tiếp tục là nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập haute couture mùa xuân/hè mang tên ‘Muguet’. Bộ sưu tập này nổi bật với các kỹ thuật xây dựng hiện đại,nhằm tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của hoa linh lan. Một trong những thiết kế nổi bật nhất cho đến nay vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Chicago: chiếc đầm dạ hội không tay được làm từ tơ lụa màu ngà, trang trí bằng thêu, đá quý và sequins bạc.
Năm 1956, Dior cùng với nhà chế tác nước hoa Edmond Roudnitska đã cho ra đời một loại nước hoa mang hương thơm của hoa linh lan mang tên Diorissimo. Việc tạo ra chất thơm thần thánh này không hề đơn giản, do hoa linh lan không có tinh dầu; thế nhưng nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các mùi hương khác mà Diorissimo đã trở thành một trong những sản phẩm nước hoa được yêu thích nhất bởi phái đẹp. Hương thơm của nó đã trở thành dấu ấn trong sự nghiệp của Roudnitska và là hiện thân cho vẻ đẹp thanh thoát, tinh khiết.
Khi Christian Dior qua đời năm 1957, hoa linh lan vẫn hiện diện trong tang lễ của ông, thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa nhà thiết kế và loài hoa yêu thích. Câu nói của người mẫu Lia Lucas về lễ tang của ông vẫn vang vọng suốt nhiều thập kỷ, làm bồi hồi trái tim những ai yêu mến thời trang: “Quan tài của Monsieur Dior được phủ bằng những bông hoa linh lan…”
Sau nhiều năm từ khi ông rời khỏi thế giới, hoa linh lan vẫn tiếp tục giữ vững vị trí tại Maison Dior. Trong bộ sưu tập xuân 2023, Cordelia de Castellane – Giám đốc Nghệ thuật của Dior Maison, đã thiết kế một dòng sản phẩm đồ dùng bàn ăn mang tên ‘New Lily of the Valley’. Bộ sưu tập này không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với hình ảnh hoa linh lan mà còn đặt dấu ấn cho những giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng hành cùng bộ sưu tập là dòng trang sức mới của Dior, với chiếc brooch bằng bạc hình hoa linh lan, điểm xuyết bởi ngọc trai nước ngọt xám và trắng. Chúng không chỉ là món đồ trang sức mà còn mang trong mình câu chuyện về sự may mắn và di sản mà Christian Dior đã để lại cho thế hệ mai sau