Vào ngày 4 tháng 10 năm 1883, chuyến tàu huyền thoại Orient Express rời ga Gare de l’Est ở Paris lần đầu tiên, từ từ di chuyển qua các nước châu Âu trên hành trình đến Constantinople (nay là Istanbul). Trong suốt chuyến đi 7 ngày, 40 hành khách, bao gồm nhiều nhà văn và nhân vật quan trọng, đã tận hưởng những giây phút thoải mái trong không gian được ốp gỗ mahogany, thư giãn trong những khoang hút thuốc và ngả mình trên ghế bành bọc da Tây Ban Nha mềm mại.
Tuy nhiên, trải nghiệm sang trọng nhất trong hành trình chính là ở toa nhà hàng.
Với một thực đơn phong phú bao gồm hàu, gà chasseur, cá turbot với sốt xanh và nhiều món khác, chất lượng ẩm thực trên tàu tốt đến mức toa hành lý đã phải được cải tạo để tạo thêm không gian cho một tủ lạnh chứa thực phẩm và đồ uống. Được phục vụ bởi đội ngũ bồi bàn ăn mặc lịch sự, hành khách thưởng thức đồ uống từ những chiếc ly pha lê và dùng bữa trên bộ đồ sứ tinh xảo bằng bộ dao nĩa bằng bạc. Nội thất của nhà hàng được trang trí bằng những bức rèm lụa, trong khi các tác phẩm nghệ thuật treo giữa các cửa sổ.
Nhà báo Henri Opper de Blowitz, một trong những hành khách của chuyến đi đầu tiên, đã viết: “Những khăn trải bàn và khăn ăn trắng sáng, được gấp nghệ thuật và duyên dáng bởi các sommelier, bộ cốc lấp lánh, rượu vang đỏ ruby và trắng topaz, bình nước trong suốt và những nắp bạc của chai Champagne —khiến cả hành khách lẫn người ngoài nhìn vào đều hoa mắt”.
Trải nghiệm hành khách xa hoa trên Orient Express đã được lưu danh trong nền văn hóa đại chúng bởi các tác giả như Graham Greene và Agatha Christie. Tuy nhiên, việc ăn uống trên tàu rất nhiều trong số đó là thành quả của sự hợp lý hóa và kỹ thuật. Chỉ bốn thập kỷ trước, ý tưởng chuẩn bị và phục vụ bữa ăn nóng trên tàu gần như không thể tưởng tượng nổi.
Trong những ngày đầu của du lịch đường sắt, hành khách thường tự mang theo thức ăn của mình hoặc, nếu các trạm dừng cho phép, sẽ ăn tại các quán cà phê ở ga. Ở Anh, thực phẩm thường được phục vụ tại các “phòng giải khát đường sắt” từ những năm 1840, mặc dù chất lượng gây ra nhiều tranh cãi.
Người Anh có thể đã đi tiên phong trong ngành kỹ thuật đường sắt vào thế kỷ 19, nhưng câu chuyện về toa tàu nhà hàng bắt đầu từ nước Mỹ. Vào năm 1865, kỹ sư và nhà công nghiệp George Pullman đã mở ra một kỷ nguyên mới với những chuyến tàu ngủ Pullman, hay còn gọi là “toa xe cung điện”, và sau đó tung ra “khách sạn trên bánh xe” mang tên President sau hai năm. Đây là chuyến tàu đầu tiên cung cấp bữa ăn trên tàu, bao gồm các món đặc sản vùng miền như gumbo, được chế biến trong một căn bếp nhỏ 3×6 feet.
Pullman tiếp tục thành công rực rỡ bằng cách phát triển toa tàu nhà hàng đầu tiên mang tên Delmonico, lấy tên từ nhà hàng New York – được coi là cơ sở ẩm thực cao cấp đầu tiên của Mỹ. Đến những năm 1870, các toa tàu nhà hàng đã xuất hiện trên nhiều chuyến tàu ngủ khắp Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, chính kỹ sư và doanh nhân người Bỉ Georges Nagelmackers là người đã đưa ý tưởng này tới châu Âu và nâng cao trải nghiệm lên một tầm cao mới. Ông nhận thấy tiềm năng của các toa ngủ sang trọng ở châu Âu và bắt tay vào việc cải cách du lịch đường sắt trên lục địa với Công ty Quốc tế Wagons-Lits (CIWL), được thành lập năm 1872. Công ty bắt đầu sản xuất các toa xe nhà hàng cũng như saloon lộng lẫy nhất thế giới, không chỉ cho hãng Orient Express nổi tiếng mà còn cho Nord Express (từ Paris đến Saint Petersburg), Sud Express (từ Paris đến Lisbon) và hàng chục dịch vụ khác, công ty đã thống trị ngành du lịch đường sắt cao cấp ở châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Wagons-Lits cũng vận hành các khách sạn lớn dọc theo các tuyến đường của mình, nhưng đảm bảo bữa ăn trên tàu vẫn là dấu son lãng mạn nhất của du lịch đường sắt.
Thời Hoàng Kim Của Du Lịch Đường Sắt
Những năm 1920 được coi là thời kỳ “vàng son” cho du lịch đường sắt ở phương Tây. Khi châu Âu hồi phục sau những tàn phá của Thế chiến thứ nhất, những doanh nhân đi công tác và du khách ưa mạo hiểm bắt đầu gắn bó cùng những chuyến tàu hơi nước êm ái, nhanh chóng và yên tĩnh.
Với các tuyến đường của Wagons-Lits mở rộng tới Bắc Phi và Trung Đông, các toa xe kim loại hiện đại đã thay thế những toa bằng gỗ cũ kỹ. Nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế được mời để trang trí toa xe, bao gồm cả toa nhà hàng sang trọng.
Đến cuối thập kỷ tiếp theo, công ty đã vận hành hơn 700 toa nhà hàng — và rồi trào lưu xa xỉ mới trên tàu đã xuất hiện: ăn tại chỗ.
Được biết đến với cái tên Pullman lounges (tên của nhà công nghiệp người Mỹ đã trở thành biểu tượng của du lịch tàu hỏa sang trọng), những toa xe mới của Wagons-Lits được giới thiệu dành cho dịch vụ ban ngày. Thay vì phải chờ đến bữa trưa hoặc bữa tối, hành khách được phục vụ thức ăn trực tiếp trên ghế lớn với tựa đầu thoải mái. Những toa tàu này được đánh giá là “một cuộc cách mạng” và là “những toa tàu sang trọng nhất từng được tạo ra.”
Wagons-Lits đã trang trí cho các xe Pullman mới của Orient Express bằng những chi tiết tinh xảo và các tấm kính được tạo ra từ bàn tay của các nghệ nhân thủy tinh bậc thầy. Ngay cả những kệ hành lý cũng trở thành những tác phẩm nghệ thuật của Art Deco.
Sự Phức Tạp Trong Khâu Tổ Chức
Mặc dù việc dùng bữa trên tàu nghe có vẻ thư giãn, nhưng đứng sau đó là một hệ thống tổ chức vô cùng phức tạp. Từ năm 1919, công ty đã vận hành một nhà bếp trung tâm tại một khách sạn ở Paris, nơi chuẩn bị (và đôi khi chế biến trước) thực phẩm cho mạng lưới tàu của mình, giúp giảm bớt gánh nặng cho các đầu bếp trên tàu. Bên trong toa nhà hàng, bếp chỉ có diện tích khoảng bảy hoặc tám mét vuông, vì vậy rất khó để chuẩn bị thức ăn cho hơn 100 người.
Nhờ sự hỗ trợ của bếp ngoài này, đến năm 1947, Wagons-Lits đã phục vụ khoảng 2,5 triệu bữa ăn mỗi năm. Tuy nhiên, mô hình sản xuất phân tán này cũng chứa đựng gốc rễ của sự suy tàn cuối cùng của các nhà hàng trên tàu.
Sự Suy Tàn Chậm Rãi
Sau Thế chiến thứ hai, cả cách thức hoạt động của các đường sắt và hành khách thay đổi đáng kể. Tàu hỏa trở nên nhanh hơn, khiến thời gian rảnh rỗi của hành khách giảm đi; và sự gia tăng của ngành hàng không thương mại cũng như sự bùng nổ sở hữu ô tô cá nhân trên khắp châu Âu vào những năm 1950 khiến tàu hỏa không còn được coi là phương tiện di chuyển sang trọng nhất nữa.
Kinh tế sản xuất thực phẩm cũng đã thay đổi theo mô hình mà các hãng hàng không áp dụng, trong đó thực phẩm hoàn toàn được chế biến ở bên ngoài (và cuối cùng được phục vụ trong các khay nhựa phân chia với bộ đồ ăn và khăn giấy dùng một lần). Năm 1956, Wagons-Lits đã mở một nhà bếp hiện đại mới, được trang bị hệ thống làm lạnh lớn và các thùng bảo quản thịt, nơi hơn 250 nhân viên chuẩn bị thực phẩm cho tất cả các tàu khởi hành từ Paris.
Việc ăn uống không còn nằm trong danh sách ưu tiên của hành khách. Thay vào đó, các dịch vụ của Wagons-Lits chú trọng vào sự tiện lợi hơn là thoải mái, bao gồm cả những xe phục vụ với các món ăn rẻ tiền theo kiểu căng-tin. Vào những năm 1960, công ty đã ra mắt “minibar” di động — ban đầu bán 23 sản phẩm, bao gồm cả sandwich — được đẩy xuyên suốt chuyến tàu, cung cấp thực phẩm cho hành khác.
Đến những năm 1970 và 1980, nhà bếp gần như đã biến mất khỏi các tuyến đường sắt châu Âu. Và mặc dù ngày nay, nhu cầu du ngoạn trên tàu hỏa trên lục địa đang có dấu hiệu tăng lên thì các toa tàu nhà hàng (hoặc ít nhất là những toa tàu được trang bị bếp) hiện chủ yếu dành riêng cho các dịch vụ du lịch. Phần nhiều trong số đó đang đánh mạnh vào yếu tố hoài niệm — như dịch vụ Orient Express mới, sẽ được hồi sinh vào năm 2025 với một toa tàu nhà hàng mà hàng mạnh dạn tuyên bố “tái hiện các quy tắc của chiếc tàu huyền thoại” — mang lại cơ hội để hồi tưởng lại một thời kỳ vàng son khi mà ẩm thực trên là một điều xa xỉ đích thực.