Trên sân khấu hình khối ánh sáng của Paris Couture Week mùa Thu 2025, thời trang không chỉ hiện hình theo từng sải bước của người mẫu mà thực sự được sống, phát sáng và chuyển động như một thực thể riêng biệt. Bộ sưu tập Sympoiesis của Iris van Herpen đã đẩy haute couture đến ranh giới mới, nơi mỗi thiết kế không còn là một món đồ để mặc, mà là một cuộc thử nghiệm sống động giữa nghệ thuật, sinh học và tương lai.
Van Herpen không dựng nên một buổi diễn thời trang mà cô thiết kế một phòng thí nghiệm thẩm mỹ, nơi con người và tự nhiên hòa làm một, nơi các nhà khoa học và nghệ nhân couture có chung một nhịp thở. Và từ chính những thí nghiệm ấy, một hệ hình couture mới đang nhen nhóm: couture có thể là biểu tượng của sự sống, thay vì sự xa hoa thuần túy.
Sympoiesis (một từ gốc Hy Lạp có nghĩa “cùng tạo ra”) không đơn thuần là tên bộ sưu tập. Đó là triết lý xuyên suốt trong từng thiết kế của Iris: con người không đứng ngoài thiên nhiên mà là một phần trong dòng chảy sống động của nó.
Trong một thiết kế mang tính bước ngoặt, van Herpen đã nuôi dưỡng hơn 125 triệu vi tảo Pyrocystis lunula sống trong một bộ váy để chúng thực sự phát sáng nhờ quá trình sinh học. Mỗi bước đi của người mẫu là một dòng ánh sáng xanh nhấp nhô trong bóng tối, dịu dàng như tiếng dài của đại dương. Chiếc váy được bảo quản trong hộp kính trước giờ diễn, được chăm sóc ở nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng. Cùng với các nhà nghiên cứu từ Viện Francis Crick và Đại học Amsterdam, van Herpen đã tiến hành hơn 35 quy trình thử nghiệm riêng biệt để tảo có thể phát sáng khi người mẫu bước lên sân khấu. Đây không chỉ là hiệu ứng, mà là một tương tác sống động giữa chất liệu và cơ thể người mặc.
Không dừng lại ở những hình ảnh mang tính trình diễn, bộ sưu tập lần này còn ghi dấu bước ngoặt công nghệ chất liệu trong ngành thời trang cao cấp. Van Herpen đã sử dụng Spiber Brewed Protein™, một loại sợi sinh học được tạo ra bằng cách lên men đường mía để tạo nên chiếc váy cưới nằm tiêu điểm của cả bộ sưu tập. Chất liệu này không dệt bằng máy móc truyền thống, không chứa sợi polyester, không gây ô nhiễm, và có thể phân hủy sinh học hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Khi một chất liệu bền vững có nguồn gốc tự nhiên và hoàn toàn mới xuất hiện trong Haute Couture – vốn luôn là đỉnh cao của truyền thống thủ công – thì ngành thời trang có quyền hy vọng về một tương lai xanh mà không phải đánh đổi vẻ đẹp thẩm mỹ. Giới thời trang cũng không thể bỏ qua những thiết kế độc đáo khác, chẳng hạn như mẫu váy lưới 3D in bằng công nghệ ánh sáng, các chi tiết mô phỏng sinh vật biển, chất liệu chảy mềm như vỏ sứa…
Trong thời điểm cả ngành công nghiệp xa xỉ đang phải đối mặt với yêu cầu “xanh hóa”, “số hóa” và “ý nghĩa hóa”, Iris van Herpen không chạy theo vẻ đẹp thị giác thuần túy mà cô khéo léo đặt ra câu hỏi về tương lai của nhân loại, về mối quan hệ giữa sinh thể và công nghệ, giữa di sản và đột phá.
Couture, dưới tay Iris, không còn là nơi vinh danh tay nghề may đo, mà trở thành một hình thức kể chuyện khoa học. Mỗi bộ váy là một tiểu vũ trụ, vừa đậm chất siêu thực vừa được xây dựng trên cơ sở sinh học và tri thức liên ngành. Chính vì vậy, khi giới phê bình gọi show diễn của cô là “một hành trình thiền định dưới đáy biển”, và sự thật đúng là như vậy.
Sympoiesis không phải bộ sưu tập đầu tiên của van Herpen theo đuổi triết lý tương sinh, nhưng chắc chắn sẽ là bộ sưu tập trưởng thành và cấp tiến nhất của cô. Tại thời điểm này, thời trang không còn chỉ là sân khấu trình diễn hay món đồ xa xỉ mà giới nhà giàu mua để tự thưởng. Nó đang chuyển mình thành phương tiện cảm xúc, công cụ đối thoại, và thậm chí là biểu tượng sinh tồn trong một thế giới hậu đại dịch, biến đổi khí hậu và bất định kéo dài.