Không gian dương (positive space) là trọng tâm của một bức ảnh, còn không gian âm (negative space) được hiểu là phần nền. Nếu đủ sáng tạo và thông minh, người nghệ sĩ có thể kết hợp không gian âm và dương với nhau để kể cả một câu chuyện chỉ với hình ảnh. Tuy nhiên, không gian âm là một thuật ngữ hay bị nhầm lẫn. Không gian âm nhấn mạnh yếu tố góc nhìn của khán giả: bạn tự quyết định thứ mình thấy. Không gian âm không bao giờ là khoảng trống. Thực chất nó phải được thiết kế để hỗ trợ và làm nổi bật bức hình.
Không gian âm không chỉ đơn thuần là nền của một bức ảnh, nó phức tạp hơn thế nhiều. Nếu không có không gian âm, không gian dương sẽ trở nên vô nghĩa. Một cách khác để nghĩ về mối quan hệ này là sự tương quan với cô đào chính trong gánh hát. Cô ấy chỉ có thể được nhận diện là vai chính khi đứng cùng với những diễn viên khác. Nếu không có họ, cô ta sẽ chẳng còn là diễn viên chính nữa.
Không gian âm và không gian dương là hai khía cạnh quan trọng của việc kết hợp hình ảnh góp phần quyết định cách tiếp nhận các ảo ảnh thị giác của người xem.
Tranh vẽ và hình chụp sử dụng thủ thuật này sẽ cố gắng đánh lừa não bộ tiếp nhận hình ảnh từ một phần không gian so với cách nó xuất hiện. Ảo ảnh thị giác là một thủ thuật đánh lừa nhận thức bằng cách xây dựng trong não người xem một hình ảnh hoàn toàn khác so với vật thể mà họ thật sự nhìn thấy và khác với vật thể tồn tại ngoài thực tại.
Học cách nhận ra không gian âm rất quan trọng trong việc phân chia tỷ lệ và tạo tính kết nối chính xác cho bức vẽ. Ngoài ra, tính nhất quán và cân đối của hình ảnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào không gian âm này.
Với sự hiện diện của không gian âm, bạn có thể tạo ra trọng tâm cho bức ảnh. Không gian âm thông thường sẽ mang tính trung lập hoặc tương phản để tập trung sự chú ý của người xem vào chủ thể chính ─ phần hình dạng của không gian dương. Thêm vào đó, tạo ra khoảng không cho mắt người xem nghỉ ngơi. Nếu không có đủ đất cho phần này, tổng thể bức ảnh sẽ rất rối ren và có thể chứa nhiều yếu tố gây mất tập trung.
Cùng với nhau, không gian âm và dương tạo nên mối quan hệ vật/nền, vốn là một trong sáu nguyên tắc của thuyết Gestalt trong thiết kế. Theo đó, phần dương chính là vật và phần âm chính là nền. Đây là các chúng ta phân biệt vật thể khỏi khung nền.
Có lẽ đa phần chúng ta đã quen với việc không gian dương màu tối và không gian âm màu sáng vì bầu trời luôn sáng hơn mặt đất và các vật thể luôn xuất hiện đậm hơn trên nền trời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có các ngoại lệ.
Đôi lúc không gian âm và dương có thể đổi chỗ. Khi thực hiện điều này một cách tỉ mỉ đến mức hình ảnh có thể làm vật lẫn làm nền thì chúng ta gọi là hiện tượng hoán đổi vật/nền. Hình ảnh mặt/bình nổi tiếng là một trong những ví dụ điển hình cho trường hợp trên. Theo như lược đồ này, bạn có thể nhìn thấy hai khuôn mặt đang đối mặt với nhau hoặc một chiếc bình nằm ngay trung tâm. Các tác phẩm của M.C. Escher thường chơi đùa với các ảo ảnh và sử dụng kĩ thuật này.
Hai nguyên tắc khác của Gestalt là tiếp nối tốt (Good Continuation) và kết thúc tốt (Closure), ngụ ý là mắt chúng ta có khuynh hướng thích những hình thể khép kín. Những nguyên tắc tri giác này thường được sử dụng rộng rãi trong thiết kế logo, góp phần ý nghĩa của logo trong phần không gian âm của thiết kế để mắt chúng ta tự xử lý hình ảnh bằng cách tiếp nhận không gian âm như một vật khép kín. Logo hình con công của đài truyền hình NBC là một ví dụ về cách sử dụng không gian âm này.
Sự cân bằng trực quan của không gian âm và dương được xem là một trong những yếu tố quan trọng cho một thiết kế tốt, tương tự với khái niệm Notan của người Nhật ─ sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối. Trong cả hai khái niệm này, một nguyên tố trong cặp không thể tồn tại thiếu nguyên tố còn lại và cả hai đều cần thiết.
Tô điểm phần không gian âm có thể giúp bạn tạo ra hiệu ứng ánh sáng chiếu qua hàng cây bằng cách vẽ những “lỗ hổng bầu trời” – tức những mảng màu trời giữa các hàng cây lá. Cách này sẽ giúp bạn vẽ những đường nét mỏng bằng việc vẽ không gian âm giữa chúng thay vì vẽ chúng.
Xác định không gian âm đòi hỏi bạn phải học cách nhìn sự vật mới và khác đi, nhìn sự vật theo hướng trừu tượng, để rồi bạn tự mình nhào nặn ra những tác phẩm mang tính trừu tượng như vậy.
Không gian âm và dương rất quan trọng trong việc sáng tạo hình ảnh. Không gian âm có thể tạo ra khác biệt trong việc tạo trọng tâm của một mẫu thiết kế, diện mạo tổng thể tính rõ ràng của chúng, và cả cách chúng ta tiếp nhận thiết kế đó. Bạn có thể tận dụng không gian âm một cách sáng tạo để khuyến khích người xem tìm những ẩn ý trong sản phẩm của mình, như thế thì tác phẩm sẽ thu hút hơn và ấn tượng hơn. Vì người xem thường sẽ nhớ đến thông điệp tác giả gửi gắm qua cách dùng hình ảnh sáng tạo của họ.