Nhiều nghệ nhân trong hàng nghìn năm đã tìm ra được nguồn cảm hứng vô tận từ thủy tinh. Dưới bàn tay của người thợ thủ công lành nghề, thủy tinh dù hình dạng nào đều được biến hóa thành vô vàn tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Đến khi được nhuộm màu, những tấm kính vạn hoa ấy lại được nâng lên một tầm cao mới. Mọi người có thể dễ dàng bắt gặp kính màu ghép tại các nhà thờ lớn, các cung điện hay những nơi trang nghiêm.
Kính màu ghép là gì?
Kính màu ghép sở hữu màu sắc nhờ kính phản ứng với các oxit kim loại trong quá trình chế tác. Mỗi loại hợp chất sẽ đem lại một màu sắc khác nhau cho tấm kính, cho phép nghệ nhân chế tác những tấm kính với màu sắc khác biệt. Ví dụ, kết hợp oxit đồng với thủy tinh nóng chảy sẽ cho ra tông màu xanh lục và xanh lam. Khi thủy tinh đã nguội bớt, người ta sẽ ghép chúng lại với nhau để tạo thành các sản phẩm trang trí. Chì, đá hay đồng thường được dùng để cố định các mảnh ghép.
Bắt nguồn từ những vật dụng cổ đại
Bằng chứng về kính màu có từ thời Đế chế La Mã cổ đại, khi những người thợ thủ công bắt đầu sử dụng kính màu để sản xuất đồ trang trí. Mặc dù còn tồn tại rất ít mảnh kính màu còn nguyên vẹn từ thời kỳ này, nhưng chiếc ly Lycurgus cho thấy rằng kỹ thuật này đã xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ 4.
Chiếc ly Lycurgus là một chiếc ly trang trí làm từ loại thủy tinh hai màu, có khả năng thay đổi màu sắc phụ thuộc vào ánh sáng. Khi được chiếu sáng từ bên trong, chiếc ly ánh lên sắc đỏ. Ngược lại, khi chiếu sáng từ bên ngoài, nó chuyển sang màu xanh lá đục.
Sau quá trình nghiên cứu, một số nhà sử gia giải thích rằng: “Những hiệu ứng đó xảy ra là do những hạt nano có sẵn trong thủy tinh. Tuy nhiên, do không thể kiểm soát quá trình tạo màu nên có rất ít sản phẩm tương tự được tạo ra và thậm chí tồn tại đến ngày nay”.
Xuất hiện trong những tu viện thời Trung cổ
Vào thế kỷ thứ 7, các nghệ nhân chế tác thủy tinh đã chuyển hướng từ vật dụng nhỏ lẻ sang thiết kế cửa sổ. Những tấm kính màu ghép ra đời để tổ điểm cho các tu viện, nhà thờ và những địa điểm tôn giáo khác. Tu viện St. Paul’s tại Jarrow, Anh chính là một ví dụ điển hình. Tu viện được thành lập vào năm 686 CN với những mảnh vỡ từ cửa sổ kính màu ghép được khai quật bởi nhà khảo cổ học Rosemary Cramp vào năm 1973. Tu viện đã cắt ghép những tấm kính nhiều màu sắc để tạo hiệu ứng thị giác cho chiếc cửa sổ.
Những thánh đường và nhà thờ theo kiến trúc Gothic
Vào thời Trung cổ, kính màu ghép xuất hiện phổ biến ở các nhà thờ và thánh đường trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, đến thế kỷ 12, các tấm kính trở nên tối giản, nhỏ hơn và được viền bởi những khung sắt dày do chịu ảnh hưởng từ kiến trúc La Mã với những vòm tròn và tường dày. Từ thế kỷ 12 trở đi, phong cách La Mã nhường ngôi cho Gothic. Các nhà thờ bấy giờ được chú trọng vào độ cao và ánh sáng thể hiện qua những ngọn tháp cao chọc trời, những bức tường mỏng và tinh tế bên cạnh những chiếc cửa sổ kính màu khổng lồ.
Truyền bá đến Trung Đông thể hiện trong kiến trúc Hồi giáo
Tới thế kỷ 8, kính màu ghép được bắt đầu xuất hiện tại Trung Đông và được thảo luận chi tiết trong cuốn sách ‘Kitab al-Durra al-Maknuna’ bởi nhà hóa học Jābir ibn Ḥayyān, một cuốn cẩm nang làm bằng thủy tinh nhuộm màu.
Vào thời điểm này, ngành công nghiệp chế tác đồ thủy tinh đang phát triển mạnh ở tới Iraq, Syria, Ai Cập và Iran. Tại đây, các thợ thủ công áp dụng kỹ thuật của người La Mã để trang hoàng cho các nhà thờ Hồi giáo, cung điện và những công trình kiến trúc Hồi giáo khác bằng cửa sổ rực rỡ sắc màu với họa tiết phức tạp.
Kính màu ghép tại Mỹ
Vào thế kỷ 19, kính màu ghép tại Mỹ đã trở thành một loại hình nghệ thuật hiện đại. Điều này được thể hiện rõ nét qua tác phẩm của Frank Lloyd Wright, người tiên phong của trào lưu Prairie School, nghệ thuật tập trung vào mảng kiến trúc và nội thất hướng tới sự khéo léo và gần gũi với thiên nhiên. Những ô cửa nhuộm màu trong suốt trở thành một biểu tượng của trào lưu nghệ thuật này. Vào năm 1885, Louis Comfort Tiffany thành lập studio thiết kế và chế tác đồ thủy tinh Tiffany, trụ sở chính tại New York đã cho ra mắt chiếc đèn ngủ kính màu ghép.
Ngày nay, những nghệ nhân vẫn tiếp tục sáng tạo dựa trên những kỹ thuật được lưu truyền qua bao đời. Những tòa nhà chọc trời tại các thành phố hay những ngôi nhà kính, vườn bách thảo rực rỡ sắc màu hay sự săn lùng những chiếc đèn màu ghép cổ điển chính là minh chứng rõ nét nhất về sự tồn tại trước thời gian của loại hình nghệ thuật này.