Thế giới thường biết đến Ninh Hạ như là khu vực sản xuất rượu vang hảo hạng trứ danh của Trung Hoa, thế nhưng một vùng đất mới gần đây cũng nổi lên với rất nhiều hứa hẹn, đó chính là Vân Nam. Trên thực tế, trong bảng xếp hạng mới nhất về các loại rượu vang ngon nhất tại thị trường đại lục thì có đến tận 2 cái tên xuất sắc đến từ Vân Nam; bao gồm Ao Yun 2018 (có nguồn gốc từ một dự án của tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennesy) và Xiaoling Cizhong 2018.
Là một tỉnh phía tây đất nước Trung Quốc rộng lớn, Vân Nam có diện tích khoảng 400.000 km2, rộng hơn cả diện tích nước Đức. Nhìn thoáng qua, khu vực này có vẻ quá gần chí tuyến Bắc để có thể sản xuất nên những dòng rượu vang hảo hạng, thế nhưng vị trí phía Nam kết hợp với độ cao lý tưởng lại mang đến nhiều lợi thế đáng ngạc nhiên để cư dân tại đây bắt đầu công cuộc canh tác trên những vườn nho vào 100 năm trước, tại làng Adong (nơi có vườn nho Ao Yun) và ngôi làng lịch sử Cizhong (quê hương của Xiaoling).
Xiaoling là một trong những nhà máy rượu được thành lập ở huyện Deqin từ một thập kỷ trước, với mục tiêu tiếp nối truyền thống làm rượu vang được kế thừa từ các linh mục người Pháp đã đến Tây Tạng cách đây 100 năm nhằm truyền bá đạo Công giáo. Thương hiệu này gần đây đã thu hút sự chú ý sau một số bảng xếp hạng của các nhà phê bình rượu vang nổi tiếng đặt nó ở vị trí dẫn đầu các loại rượu vang Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng 100 loại rượu vang ngon nhất đất nước tỷ dân năm 2021 của James Suckling, Xiaoling đứng thứ 3 (xếp sau Ao Yun và Kanaan’s CRAZY FANG).
Bertrand Cristau, cổ đông chính của dự án cũng là một thành viên trong Gia đình Bouchard nổi tiếng ở Beaune. Ông khẳng định rằng rượu vang Xiaoling được sản xuất bởi các nhà sản xuất rượu địa phương vốn hiểu rõ đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng của nơi này hơn bất kỳ ai. Cố vấn kỹ thuật của vườn nho kiêm cổ đông dự án là Sylvain Pitiot – một nhà sản xuất rượu vang vĩ đại đến từ Burgundy, cũng chính là “vị thần gác cửa” trông coi một trong 5 nhà sản xuất rượu vang lớn tại Monopole: Le Clos de Tart. Cristau cho biết: “Chúng tôi hiện có 3 ha cây nho, chủ yếu là cabernet sauvignon và merlot, được trồng ở độ cao từ 1900m đến 2600m so với mực nước biển”. Ông khẳng định rằng ở độ cao này, khí hậu gần như tương tự tại nước Pháp. Chưa dừng lại ở đó, sự kết hợp của nhiều yếu tố khác như mặt trời lặn nhanh càng giúp cho vỏ nho cabernet sauvignon đặc biệt mỏng hơn, từ đó thích hợp để làm pinot noir sau quá trình ủ rượu. Tuy nhiên, khu vực này cũng có nhiều hạn chế do nằm ở nơi hẻo lánh và xa xôi – điều này cũng góp phần lý giải vì sao chỉ có khoảng chưa đến 10 nhà máy rượu vang hoạt động tại đây. Việc vận chuyển máy móc làm rượu đến đây là cực kỳ khó khăn, do đó mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công với số lượng nhân sự rất hạn chế.
Xiaoyan Liao (một chuyên gia về rượu vang tại Trung Quốc) cho biết Vân Nam là vùng sản xuất rượu vô cùng đặc biệt và thú vị. Đất đai vùng này giữ nguyên sự trù phú nguyên thủy bởi vì chưa bị nền nông nghiệp hiện đại khai thác quá nhiều, đồng thời cũng không bị ô nhiễm bởi các ngành công nghiệp hoặc các sản phẩm nông nghiệp độc hại. Thiên nhiên cũng ưu đãi nơi đây khí hậu thuận lợi để các nhà máy sản xuất rượu vang không cần chôn cây nho vào mùa đông, không giống như các vùng phía bắc Trung Quốc như Ninh Hạ, Cam Túc hay Tân Cương – nơi mà các nhà máy rượu đã phải phủ lấp hoàn toàn cây nho bằng đất trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10, cho đến muộn nhất là tháng 4 hoặc tháng 5. Hành động này có thể gây ra nhiều hệ lụy đến chu kỳ sinh dưỡng: cây thức tỉnh muộn khiến nho có ít thời gian hơn để trưởng thành, chưa kể chi phí sẽ bị tăng cao.