Khi những tia sáng laser huyền ảo nhảy múa trên tác phẩm tương lai mới nhất của kiến trúc sư người Nhật Sou Fujimoto dưới bầu trời đêm Reims, người ta có thể tự hỏi liệu họ có vô tình đi nhầm hướng khi tìm kiếm Maison Ruinart, một trong những Champagne House lâu đời nhất thế giới?
Giống như tất cả những câu chuyện truyền miệng trong các cuộc tản mạn về thế giới rượu vang Pháp, Maison Ruinart có một sự khởi đầu đầy mộng mơ. Câu chuyện kể rằng vào năm 1680, ở tuổi 23, Dom Thierry Ruinart đã rời khỏi quê hương Champagne đến Paris và Tu viện Saint-Germain-des-Prés. Khi trở về, ông đã kể cho mọi người nghe về niềm yêu thích của triều đình Pháp đối với “rượu vang sủi bọt”, lúc đó vẫn chưa được gọi là champagne. Tuy nhiên, người cháu trai của tu sĩ Benedictine, Nicolas, đã tiếp nối tầm nhìn xa trông rộng của chú mình và mở Maison Ruinart vào năm 1729 — Champagne House thương mại đầu tiên trên thế giới.
Và hôm nay, những người đam mê rượu toàn cầu được chứng kiến sự ra đời của Pavilon Nicolas Ruinart do Fujimoto thiết kế. Sau ba năm chuẩn bị, “trái tim” của khu đất rộng 7.2 mẫu Anh là một cấu trúc lớn bằng kính và đá, ôm ấp một không gian đa dạng chủ đề để chào đón du khách. Phần nội thất uốn lượn của pavilon được chế tác bởi nhà thiết kế người Pháp Gwenaël Nicolas, hòa quyện một cách tự nhiên từ khu vực bán lẻ đến trung tâm tiếp đón, quầy bar và phòng thử rượu.
Công trình này đứng giữa ba tòa nhà từ thế kỷ 19 vẫn được sử dụng cho sản xuất, mỗi tòa đều thông hướng ra khu vườn hình chữ nhật của maison. Như một phần của sự tiến hóa, khu vườn đã được tái tạo dưới bàn tay khéo léo của nghệ sĩ cảnh quan người Pháp Christophe Gautrand. Hiện nay, nó đóng vai trò như là một phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại miễn phí cho công chúng, giới thiệu các tác phẩm cả trong nước lẫn quốc tế được chỉ định bởi giám đốc nghệ thuật và văn hóa của Ruinart, Fabien Vallérian.
Nhìn bề ngoài, người ta có thể tự hỏi tại sao một thương hiệu với lịch sử lẫy lừng lại từ bỏ truyền thống. Tuy nhiên, câu chuyện của Maison Ruinart không chỉ đơn thuần như vậy. “Mặt tiền kính chuyển từ trắng sang trong suốt rất đơn giản nhưng thú vị, được lấy cảm hứng từ những bọt khí trong một ly rượu sâm banh. Từ bên ngoài, đôi khi tòa nhà như đang trôi nổi và mang lại cảm giác mềm mại; và đôi khi nó như đang biến mất – nhờ vào hiệu ứng phản chiếu và hòa quyện vào bầu trời. Công trình này thực sự đối xứng và đẹp mắt, đồng thời cũng là một phần của di sản phong phú của Pháp; kết hợp đồng đều giữa đổi mới và bền vững. Nhìn kỹ, mọi người sẽ thấy cả ba yếu tố đó được kết hợp hết sức tài tình.
Tính bền vững chính là “linh hồn” của kiến trúc này, qua việc tòa nhà tự sản xuất 80% năng lượng thông qua các nguồn địa nhiệt và năng lượng mặt trời. Các bức tường được thợ xây chế tác từ đá Soissons màu champagne địa phương thay vì bê tông, và mái nhà xanh được hỗ trợ bởi một cấu trúc bằng gỗ.