Những chú mèo với đôi tai nhọn màu đỏ đang vẫy chân mời gọi đã trở thành những chiếc bùa may mắn mang tính biểu tượng trong nhiều thế kỷ.
Nếu từng đặt chân đến Nhật Bản hoặc một số quốc gia châu Á, chắc chắn du khách đã bắt gặp maneki-neko đang chào khách ở gần cửa ra vào của các quán ăn hay cửa hàng. Không chỉ được gọi là mèo vẫy khách, maneki-neko còn được biết đến là mèo may mắn, mèo phú quý hay mèo hạnh phúc vì nhiều người cho rằng chúng có thể giúp doanh nghiệp hoặc chủ nhân ngày càng phát đạt và gặt hái được nhiều tài lộc.
Những nét đặc trưng của maneki-neko
Tượng mèo may mắn maneki-neko thường được làm từ gốm hoặc nhựa và mang hình dáng của loài mèo đuôi cộc Nhật Bản đang giơ một chân ra vẫy. Bàn chân mèo có thể đung đưa qua lại, thậm chí một số còn được gắn thêm động cơ để có thể tự chuyển động liên tục. Maneki-neko thường ngồi và cầm đồng xu koban từ thời Edo. Trên đó có cụm từ, sen man ryou (千万両), nghĩa là 10 triệu miếng vàng.
Những bức tượng mèo này thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh nhằm lôi kéo khách hàng vào bên trong. Nếu mèo vẫy bằng chân trái, chủ cửa hàng đang muốn thu hút nhiều khách hàng, trong khi chân phải ‘mời gọi’ sự giàu có và tiền bạc cho chủ nhân. Maneki-neko cũng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy vào việc chủ sở hữu đang cầu mong điều gì. Chẳng hạn, mèo trắng chứng tỏ gia chủ đang cầu hạnh phúc, thanh tịnh; màu đen cầu bình an; màu đỏ cầu sức khỏe; màu vàng cầu phú quý, tiền tài trong khi mèo màu hồng giúp đường tình duyên thuận lợi.
Nguồn gốc của mèo may mắn
Dù phổ biến ở các khu phố người Hoa nhưng maneki-neko được ra đời tại Nhật vào cuối thời kỳ Edo, khoảng từ thế kỷ 17. Trong những ghi chép gần đây nhất được để lại, hình vẽ maneki-neko xuất hiện trong bức tranh khắc gỗ ukiyo-e của Utagawa Hiroshige thuộc loạt “Cảnh chợ Balladtown náo nhiệt” (Jôruri-machi hanka no zu 1852). Trong đó, có phiên bản marushime-neko, một biến thể của mèo may mắn được bày bán tại đền Senso, Tokyo.
Trong thời Minh Trị, maneki-neko lại được nhắc đến trong một bài báo năm 1876. Có tài liệu cho thấy mèo may mắn mặc kimono đang chào khách tại một ngôi đền ở Osaka trong thời gian này. Vào năm 1902, một quảng cáo maneki-neko chỉ ra rằng chúng là những chiếc bùa may mắn phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ 20.
Truyền thuyết về maneki-neko của Nhật
Truyện dân gian kể rằng một nhà sư nghèo ở thế kỷ 17 sống trong ngôi chùa Gotoku nhỏ ở Setagaya, Tokyo với chú mèo cưng đuôi cộc của mình. Họ trải qua cuộc sống bình lặng, cho đến khi lãnh chúa samurai Ii Naotaka của Vùng Hikone ghé thăm khu vực này. Khi đang trên đường đi săn, một cơn bão lớn ập đến khiến vị lãnh chúa phải trú dưới gốc cây cạnh ngôi đền. Khi đó, ông thấy chú mèo của nhà sư giơ một chân lên như đang mời ông vào trong đền.
Khi Naotaka tiến về phía chú mèo, một tia sét đánh vào gốc cây nơi ông vừa đứng. Vị lãnh chúa quyết định trả ơn chú mèo đã cứu mạng mình bằng cách trở thành người bảo hộ ngôi đền, không chỉ tu sửa chùa mà còn đảm bảo cuộc sống cho các vị sư và chú mèo. Khi chú mèo qua đời, một bức tượng maneki-neko đã được xây dựng để tưởng nhớ cuộc đời của nó. Ngôi chùa Gotoku ngày nay đầy ắp những chú mèo chiêu tài và những du khách ghé thăm điều rất mực tin vào biểu tượng may mắn này.
Nếu có dịp tham quan Bảo tàng Nghệ thuật Manekineko ở Okayama, du khách có thể khám phá quá trình maneki-neko phát triển qua các thời đại thông qua bộ sưu tập hơn 700 bức tượng mèo may mắn xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Lễ hội Manekineko cũng được tổ chức hàng năm vào tháng 9 ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Phố Manekineko-dori (“Phố Mèo vẫy gọi”) ở Thành phố Tokoname, Tỉnh Aichi được trang trí bằng hàng chục bức tượng mèo bằng gốm thu hút rất nhiều du khách. Maneki-neko nổi tiếng đến mức có cả Bảo tàng Mèo May mắn ở Ohito, Cincinnati, nơi có hơn 2.000 phiên bản khác nhau.