Nhắc đến wagashi (bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản), bất cứ ai cũng sẽ nghĩ ngay đến những chiếc bánh nhỏ xinh được cắt tỉa thủ công cực kỳ công phu và khéo léo. Đó là nerikiri, đại diện tiêu biểu của wagashi và được làm từ tinh bột đậu trắng và bột gạo nếp. Người Nhật thường thưởng thức loại wagashi này trong các buổi trà đạo. Đặc biệt, nerikiri được các nghệ nhân tỉ mỉ tạo hình đẹp mắt với vô vàn kiểu dáng và màu sắc theo cảnh sắc 4 mùa đặc trưng của thiên nhiên. Hình dạng thường thấy nhất của nerikiri là hoa anh đào sakura, bên cạnh động vật, hoa lá, hoạt hình phong cảnh hoặc các loại trái cây.
Nguồn gốc của những tác phẩm nghệ thuật nhỏ xinh
Nhiều ghi chép và tài liệu cho thấy nerikiri ra đời vào khoảng thời kỳ Edo. Trong thời gian đó, giá đường đã giảm xuống dù đường vốn là một nguyên liệu quý giá từ thời xa xưa. Nhờ đó, văn hóa bánh kẹo Nhật Bản phát triển và nở rộ. Những thợ bánh lúc bấy giờ thi nhau trổ tài và đó là lúc những món bánh ngọt Nhật Bản có hình dáng đẹp mắt lần lượt ra đời.
Ở Kyoto, đồ ngọt truyền thống với thiết kế phức tạp được phổ biến rộng rãi nhờ thịnh hành loại bột “konashi” (bột đậu trắng và đường được pha thêm bột gạo). Với việc dời đô về Edo, người Nhật cho rằng nerikiri đã thay đổi và đặc trưng hơn. Hơn hết, nerikiri còn trở thành món bánh ngọt cao cấp của Nhật Bản và thường xuất hiện trong các dịp lễ quan trọng hay được dùng để chiêu đãi những vị khách đặc biệt.
Tùy thuộc vào lượng nước, bánh kẹo truyền thống ở Nhật được chia thành ba loại cơ bản: namagashi (bánh kẹo mềm), han-namagashi (dẻo) và higashi (khô). Nerikiri nằm trong nhóm namagashi. Nerikiri được xếp vào loại namagashi chứa nhiều nước và là loại bánh kẹo điển hình vì mang tính nghệ thuật cao. Đây cũng là loại bánh kẹo hiếm khi vắng mặt trong các buổi lễ trà đạo. Ngoài ra, có nhiều loại namagashi khác nhau, trong đó nerikiri là một trong những namagashi chất lượng cao – ngon nhất và sang trọng nhất.
Khám phá nerikiri muôn màu muôn vẻ
Các nghệ nhân làm bánh dùng các nguyên liệu mềm để dễ dàng tạo hình và nhào nặn thành những mẫu nerikiri cầu kỳ và đẹp mắt. Bột đậu đỏ hoặc đậu trắng có vị ngọt thanh, kết cấu mịn đều và tan ngay trong miệng. Thợ bánh thường làm nerikiri theo chủ đề bốn mùa xuân hạ thu đông tại Nhật. Nerikiri mùa hè rực rỡ và đầy màu sắc, kết hợp với trà lạnh để tạo cảm giác mát mẻ. Bên cạnh đó, màu trắng hoặc xanh lam hay hình dạng sóng nước, băng tuyết cũng được tận dụng.
Trong khi đó, nerikiri mùa xuân báo hiệu mùa cây cỏ bắt đầu đâm chồi nảy lộc và những loài hoa xinh đẹp như hoa anh đào dần nở rộ, thể hiện sức sống căng tràn và niềm vui của cuộc sống. Nerikiri mùa thu nổi bật với họa tiết lá vàng, sự chuyển màu từ đỏ thẫm sang cam nhạt rất bắt mắt. Cuối cùng là nerikiri mùa đông ấn tượng với họa tiết giáng sinh, năm mới, đôi khi mang hơi hướng tĩnh lặng với sắc trắng bình yên và thanh tao.
Wagashi nói chung và nerikiri nói riêng đều vô cùng sáng tạo, thể hiện sự kỳ công và khéo tay của người Nhật. Trải nghiệm nerikiri kết hợp trà đạo mang đến sự thăng hoa khi thưởng thức bánh và trà, cảm nhận sắc – hương – vị – thanh trọn vẹn qua năm giác quan. Vị ngọt thanh nhẹ nhàng của nerikiri hòa quyện với độ đắng chát nhẹ của đồ uống như trà hoặc matcha sẽ làm nổi bật hương thơm và độ mềm tan của bánh.