Hồng Kông đang gặp phải vấn đề lớn về quản lý rác thải. Mọi người, từ doanh nghiệp đến cư dân, đều tạo ra lượng rác thải không bền vững mỗi ngày—và phần lớn trong số đó là rác thải thực phẩm.
Theo số liệu thống kê về rác thải của Cục Bảo vệ Môi trường công bố vào tháng 12 năm 2023, thành phố đã thải ra 4 triệu tấn rác thải rắn vào năm 2022, trong đó 30 phần trăm (hoặc 1,2 triệu tấn) là rác thải thực phẩm—bao gồm thực phẩm bị loại bỏ trong quá trình sản xuất, chế biến hoặc bán lẻ, cộng với thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn. Điều này có nghĩa là Hồng Kông có khoảng 3.300 tấn rác thải thực phẩm mỗi ngày. Để so sánh, cùng năm đó tại Singapore, chỉ có 11 phần trăm (tương đương 813.000 tấn) rác thải rắn của thành phố là rác thải thực phẩm.
“Hồng Kông đã thực hiện giáo dục môi trường về phân loại rác thải trong hơn 20 năm qua”, Jonathan Wong, giáo sư danh dự tại Đại học Baptist Hồng Kông cho biết. Wong đã dành hơn 30 năm nghiên cứu các cách tái sử dụng rác thải hữu cơ như rác thải thực phẩm—chẳng hạn chuyển đổi chúng thành phân bón hoặc năng lượng. Sau khi tư vấn cho chính quyền Hồng Kông về một loạt các chính sách môi trường trong hơn hai thập kỷ, bao gồm cả quản lý rác thải, ông tin tưởng vào khả năng tái chế của người dân hiện nay: “Rất nhiều người đã tiếp xúc với khái niệm phân loại rác thải ngay cả khi họ chưa đích thân thực hiện. Nhưng một khi chính quyền có những quy định cụ thẻ, mọi người sẽ có thể bắt kịp”.
Vị giáo sư này cũng tin rằng nỗ lực triển khai chương trình thu phí rác thải rắn đô thị (MSW) trong năm nay sẽ mang lại cơ hội tốt để mọi người thực hành. Được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2005, chương trình MSW là kế hoạch của chính phủ Hồng Kông nhằm thu phí đối với rác thải được đưa đến bãi chôn lấp—từ trước đến nay vẫn được thực hiện miễn phí. Khi người dân biết rằng họ sẽ phải trả tiền cho rác thải bằng cách mua túi đựng rác được chỉ định để vứt rác, họ sẽ tự nhận thức để phân loại rác thải và tái chế một cách nghiêm túc hơn.
Khi thông tin chi tiết về chương trình được công bố vào năm 2017, chính phủ đã tiến hành thử nghiệm, triển khai giáo dục và tham vấn công chúng; thế nhưng phải đến năm 2021 khi chương trình được bỏ phiếu thành luật thì công tác chuẩn bị cụ thể hơn mới bắt đầu để triển khai. Giai đoạn triển khai trong sáu tháng bắt đầu từ tháng 4 năm 2024 đã được công bố, nhưng do phản ứng dữ dội của công chúng mà chương trình đã bị hoãn lại đến tháng 8 trước khi tiếp tục bị hoãn lại đến giữa năm 2025. Wong cho biết: “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để xem xét các vấn đề còn tồn đọng đang ngăn cản quá trình triển khai. Không chỉ lo lắng về túi đựng rác mà chúng ta còn phải tìm hiểu về cách phân loại rác thải vào túi. Chính phủ cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng về tất cả những chi tiết này”.
Việc thiếu hướng dẫn này càng trở nên rõ ràng hơn khi đề cập đến vấn đề lãng phí thực phẩm. Wong bổ sung thêm: “Hầu hết việc chuẩn bị cho công chúng để triển khai MSW được thực hiện tại các khu dân cư, chủ yếu là tái chế nhựa và giấy, thế nhưng không nhắc nhiều đến rác thải thực phẩm”. Wong giải thích rằng ngay cả khi các thùng màu tím được đưa vào sử dụng từ năm 2018 để thu gom chất thải thực phẩm trên toàn thành phố thành công, thì O-Park 1, cơ sở xử lý chất thải thực phẩm hoạt động từ năm 2018, chỉ có thể xử lý 200 tấn chất thải thực phẩm mỗi ngày và việc hoàn thành O-Park 2, dự kiến sẽ xử lý thêm 300 tấn mỗi ngày, đã bị trì hoãn. Điều này còn lâu mới giải quyết được 3.300 tấn chất thải thực phẩm mỗi ngày mà Hồng Kông tạo ra, vì vậy chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào việc giảm chất thải thực phẩm ngay từ nguồn phát ra.
Rất may, các nhóm hoạt động tại địa phương như Green Hospitality đã và đang thực hiện quá trình giáo dục các doanh nghiệp. Được thành lập bởi Lucia Loposova vào năm 2018, tổ chức phi lợi nhuận này tập trung vào việc giúp các nhà hàng và khách sạn đạt được mục tiêu phát triển bền vững—trong đó lãng phí thực phẩm là trọng tâm chính. Bà cho biết: “Chúng tôi chủ yếu kết hợp với các doanh nghiệp vì chúng tôi muốn làm việc tập trung vào mô hình kinh doanh và hoạt động của họ. Nếu họ phục vụ một số lượng lớn thực khách, vậy thì họ có thể bắt đầu thay đổi thay vì chờ đợi khách hàng tự thay đổi”.
Năm 2022, trong khuôn khổ một phần của thử nghiệm chương trình MSW, Green Hospitality đã làm việc với 20 nhà hàng Hồng Kông trong ba tháng để giúp họ triển khai các hoạt động quản lý rác thải hiệu quả hơn. Nhóm đã thu thập dữ liệu về các loại và số lượng chất thải được tạo ra, sau đó sử dụng dữ liệu này để cung cấp cho họ thông tin đầu vào về cách họ có thể giảm thiểu lượng rác thải của mình. Qua đó, một số nhà hàng thực sự đạt được tỷ lệ tái chế lên tới 90 phần trăm”.
Loposova giải thích thêm rằng chúng ta thường không mất quá nhiều công sức để tái sử dụng thực phẩm. Ví dụ, bạn có thể lên men lá trà đã qua sử dụng và tạo ra món lahpet thoke hay salad lá trà lên men rất phổ biến ở Myanmar. Phần bỏ đi khi cắt tỉa của trái cây và rau củ có thể được chế biến thành nước dùng, bã cà phê giàu nitơ có thể được ủ thành phân hữu cơ hoặc dùng để khử mùi và vỏ hàu có thể được nghiền thành thức ăn giàu canxi cho động vật. Sau thành công của nghiên cứu về chương trình MSW, Green Hospitality tiếp tục tổ chức các hội thảo giúp chủ nhà hàng và đầu bếp có thể học cách giảm thiểu lãng phí thực phẩm.
Hiệp hội Nhà hàng Bền vững (SRA), được thành lập tại Vương quốc Anh và ra mắt tại Hồng Kông vào năm 2019, cũng đang nỗ lực giáo dục các nhà hàng bằng cách sử dụng Food Made Good – bộ quy chuẩn công nhận tính bền vững của mình. Lãng phí thực phẩm chỉ là một trong nhiều trụ cột mà SRA xem xét khi đánh giá các nhà hàng về các hoạt động bền vững của họ. Quy trình chứng nhận bao gồm một bảng câu hỏi chi tiết mà các nhà hàng sẽ cần điền vào, nộp bằng chứng hỗ trợ và tiếp đón các chuyến thăm do SRA thực hiện để xác minh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng một nhà hàng thực hành quản lý chất thải thực phẩm tuyệt vời là nhà hàng có chính sách rõ ràng, đào tạo nhân viên, giám sát và đo lường, thực hiện các hành động để giảm thiểu và khắc phục, sau đó sử dụng tất cả lượng thực phẩm dư thừa mà nhà hàng có, đồng thời có kế hoạch sử dụng chúng một cách hợp lý.