Bắt nguồn từ nghi lễ dâng hoa lên chùa từ nhiều thế kỷ trước, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản hay còn gọi là Ikebana ngày nay được phát triển ngày càng phổ biến. Nó đã trở thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo của xứ sở hoa anh đào được nhiều người gồm cả chuyên gia lẫn người mới học quan tâm.
Ikebana là gì?
Ikebana (生花) nghĩa là “hoa sống”. Bộ môn nghệ thuật này được đánh giá tinh tế, có hồn và phức tạp hơn nhiều so với lối cắm hoa theo các văn hóa khác. Do đó, Ikebana được xem như một bộ môn nghệ thuật ở Nhật Bản, cũng tương tự như hội họa và điêu khắc là những môn nghệ thuật đặc sắc ở các nước khác.
Cắm hoa phong cách đơn giản đã có từ những năm đầu thế kỷ thứ 7 khi đạo Phật ở Trung Quốc truyền đến Nhật. Lúc này phong tục dâng hoa đặt trước tượng Phật được hình thành và ngày càng được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều thế kỷ. Trong suốt thời kỳ Heian (thế kỷ thứ 8 đến 12), đây là phong tục phổ biến nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính qua những cành hoa đầy thi vị.
Khi tầng lớp samurai chiếm ưu thế từ thế kỷ thứ 14, các vua chúa phong kiến đã giành được quyền hành tối cao và họ luôn mong muốn phô bày sự giàu có và quyền lực của mình. Các hốc tường như tokonoma đầu tiên được xây dựng trong nhà và cung điện của họ để làm không gian trưng bày các bộ áo giáp. Tuy nhiên, khi đất nước thống nhất và nền hòa bình được thiết lập, các vật dụng nghệ thuật như chậu hoa bắt đầu được trưng bày thay thế các bộ áo giáp này.
Các phong cách cắm hoa Ikebana
I) Rikka
Cách trang trí hoa dâng Phật những ngày mới hình thành luôn nhắm đến việc biểu thị vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên đàng nên cách cắm nhìn chung khá kỳ công và lộng lẫy. Đây chính là tinh thần trong Rikka – phong cách cắm hoa Ikebana đầu tiên không tập trung phô bày vẻ đẹp của hoa nhưng dùng hoa như một phương tiện để thể hiện vẻ đẹp của vũ trụ vạn vật.
Các quy tắc cấu trúc hay vị trí cắm Rikka hướng dẫn cách bố trí hoa cơ bản. Các sư thầy kết hợp đạo lý Phật giáo vào nghệ thuật cắm hoa đã phát triển ra 9 vị trí quan trọng bao gồm Shin (ngọn núi tâm linh), Uke (tiếp nhận), Hikae (chờ đợi), Sho shin (thác nước), Soe (cành hỗ trợ), Nagashi (suối), Mikoshi (tầm xa), Do (hình dáng), Mae oki (mặt trước).
II) Seika
Trái ngược với quy tắc “bất di bất dịch” của Rikka, nhiều phong cách cắm hoa tự do hơn như Nageire (nghĩa là “ném vào”) cũng được nhiều người biết đến. Nét đặc sắc của phong cách Nageire thể hiện qua việc hoa cắm vào chậu không theo một phương thức gò bó, cứng nhắc nào nhưng lại theo kiểu ngẫu hứng, tự nhiên.
Cuối thế kỷ thứ 18, phong cách Seika (nghĩa là “hoa tươi”) xuất hiện như một sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách Rikka và Nageire. Trong phong cách Seika, có 3 vị trí cơ bản là Shin, Soe và Uke (nay là Taisaki) tạo thành dạng tam giác không đều. Về cách bày trí, phần không gian trống trong hốc tokonoma – nơi trưng bày chậu hoa Seika là vô cùng quan trọng.
III) Moribana
Những năm gần đây, hốc tường tokonoma trưng bày chậu hoa phong cách Ikebana truyền thống không còn được xem là khu vực “thiêng” như ngày xưa, nhất là trong lối kiến trúc Nhật Bản dựa theo phương Tây hiện đại. Xu hướng không gian mở ngày nay đòi hỏi chậu hoa Ikebana phải được ngắm nhìn ở mọi góc, khác hẳn hoàn toàn so với cách thưởng thức hoa của những người thời trước. Trong khi Seika buộc phải được đặt ở hốc tokonoma và sẽ được người ngồi ở dưới sàn ngắm trực diện, phong cách Moribana (nghĩa là “chồng chất”) sắp xếp hoa tự nhiên đảm bảo tính 3 chiều cho phép người ngắm có thể nhìn thấy chậu hoa ở các góc khác nhau.
IV) Ikebana đương đại
Các phong cách cổ điển truyền thống như Rikka và Seika luôn là nền tảng cho các phong cách cắm hoa khác, nhưng nét hiện đại vẫn được thể hiện qua nhiều loại vật liệu mới mà ngày xưa chưa từng được dùng trong nghệ thuật Ikebana. Một chậu hoa sẽ trở nên độc đáo và truyền cảm hứng hơn khi có thêm vài dòng màu tô điểm. Chậu hoa này có thể cắm theo phong cách đương đại nếu nghệ nhân biết các sử dụng vật liệu trang trí không phải là những loài thực vật sống.