Trong những năm gần đây, khi xu hướng đô thị hóa và thương mại hóa đang dần xâm lấn những giá trị văn hóa cổ xưa, nghề dệt thảm ở Afghanistan vẫn kiên cường đứng vững như một trong những di sản nghệ thuật đã có từ trước cả nền văn minh hiện đại.
Di sản lâu đời của những bộ tộc du mục
Từ rất lâu trước đây, các bộ tộc lang thang ở Afghanistan vẫn duy trì truyền thống dệt thảm bằng tay, sử dụng những họa tiết cổ xưa được ghi nhớ và truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác. Họ tự tay xén lông cừu, hái thảo mộc để nhuộm màu và mất hàng tháng trời để tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Mỗi tấm thảm không chỉ là một món đồ trang trí mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày – chúng được đặt dưới sàn nhà, treo trên tường, thậm chí là làm nắp cửa lều hay ngăn cách nơi ăn uống và cầu nguyện.
Tuy nhiên, thảm dệt tay không được tạo ra để bán. Chỉ khi nào một tấm thảm đã cũ được thay thế bởi một tấm thảm mới, gia chủ mới đưa thảm ra chợ ra bán. Chính vì lý do đó, những nhà buôn như Riyaz Bhat đã phải nỗ lực rất nhiều để gìn giữ và phát huy giá trị của các tác phẩm nghệ thuật này.
Riyaz Bhat, đến từ Kashmir, là một trong số ít những người vẫn đang nỗ lực bảo tồn nghệ thuật dệt thảm thủ công. Anh thường xuyên đến Afghanistan để mua thảm từ các bộ tộc du mục – những người đã duy trì công cuộc sản xuất thảm bằng tay trong hơn 500 năm qua. Bhat khẳng định rằng: “Mục đích chính của tôi không chỉ là bán một tấm thảm mà là cho cả thế giới biết về giá trị của thảm”. Đối với anh, mỗi tấm thảm là một di sản, mang trong mình câu chuyện văn hóa của người dệt.
Bhat thường thu thập từ 50 đến 60 tấm thảm mỗi lần và tốn khoảng bốn tháng để bán hết. Anh không chỉ thu mua thảm mà còn cung cấp các nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết cho các gia đình du mục để đổi lấy những tấm thảm quý giá này.
Trong thời kỳ chiến tranh với Liên Xô, những người dệt thảm Afghanistan bắt đầu mạnh mẽ phản ánh những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến vào chính tác phẩm của họ. Chúng đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công chúng và nhanh chóng được công nhận là một hình thức nghệ thuật dân gian Afghanistan, không chỉ đơn thuần là những sản phẩm trang trí mà còn mang trong mình thông điệp về sự khổ đau và khát vọng hòa bình.
Đối mặt với thách thức đô thị hóa
Mặc dù có những nỗ lực đáng kể trong việc bảo tồn nghệ thuật dệt thảm, nhưng hiện nay, các nghệ nhân du mục ở Afghanistan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà máy dệt thảm trên toàn thế giới. Omri Schwartz, giám đốc của Nazmiyal Collection, một công ty chuyên về thảm cổ tại New York, chỉ ra rằng, nhiều người thợ dệt trên thế giới hiện nay không còn quyền quyết định trong thiết kế sản phẩm mà chỉ đơn thuần là người lao động. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nghệ thuật dệt thảm truyền thống Afghanistan.
Theo nghiên cứu của Francesca Recchia, một chuyên gia độc lập về đô thị hóa tại Afghanistan, tình hình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại đây và chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn. Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng ở vùng quê càng khiến nhiều người dân phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm cuộc sống ở những nơi phồn hoa hơn. Recchia nhấn mạnh rằng với việc đô thị hóa, nhiều người sẽ không còn đủ không gian để nuôi sống gia súc hay duy trì nghề dệt thảm, đồng nghĩa với việc các kỹ thuật cổ truyền sẽ dần mai một.
Mặc dù hiện nay thảm dệt tay đã trở thành một loại hàng hóa trong thị trường tiêu dùng, nhưng những nỗ lực của các thương buôn như Bhat có thể giúp khôi phục lại giá trị của nghệ thuật dệt thảm truyền thống. Thị trường phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, đang bắt đầu nhận thức và trân trọng thảm như một hình thức nghệ thuật đặc biệt. Schwartz hy vọng rằng ngày càng nhiều người sẽ dành thời gian để tìm hiểu và đánh giá cao các tác phẩm này, như các mà họ đã trân trọng một bức tranh hay một tác phẩm điều khắc.