Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Canada, Frank Gehry, nhà hát Walt Disney là một công trình đầy tính biểu tượng và được hoàn thành sau 15 năm xây dựng.
Chiếm phần lớn khu phố trung tâm, nhà hát Walt Disney là một trong những dự án nổi tiếng nhất được quốc tế công nhận của kiến trúc sư (KTS) Frank Gehry. Nhờ mặt ngoài được ốp các tấm kim loại kết hợp với độ cao nổi bật của cấu trúc, những khán phòng khổng lồ bên dưới có khả năng phô diễn những âm vang ấn tượng.
Vào cuối những năm 1980, ông Gehry đã được bà Lillian Disney chọn làm nhà thiết kế trung tâm hòa nhạc sau khi xem xét một danh sách gồm 80 KTS tiềm năng. Công trình bắt đầu được khởi công vào năm 1991 và hoàn thành vào năm 2003, đồng thời trở thành trụ sở của dàn nhạc Los Angeles Philharmonic đình đám.
Mặc dù nhà hát Walt Disney được đưa vào hoạt động trước viện bảo tàng Guggenheim Bilbao (một thiết kế có tính thẩm mỹ tương tự bị trì hoãn trong quá trình hoàn thiện do thiếu hụt ngân sách), nhưng đây là cơ hội để Gehry đánh giá sự đón nhận từ cộng đồng. Từ đó, ban điều hành đã quyết định yêu cầu Gehry chuyển đổi thiết kế ngoại thất từ đá sang lớp bọc bằng thép không gỉ.
KTS Gehry chia sẻ với tờ Los Angeles Times rằng: “Nhà hát Disney trông rất đẹp vào đêm. Không chỉ tuyệt vời mà còn có độ thích ứng cao. Trước khi nhìn thấy Bilbao tỏa sáng lúc thiếu ánh mặt trời, họ đã từng từ chối việc sử dụng lớp ốp kim loại”.
Tương tự như những công trình khác của ông, nhà hát Walt Disney cũng được thiết kế “từ trong ra ngoài”. Kế hoạch chính là hình thành một khán phòng lớn có sức chứa 2.265 chỗ ngồi theo phong cách bao trọn sân khấu nhằm tạo cho khán giả cảm giác gần gũi với các nghệ sỹ.
Không giống như nhiều phòng hòa nhạc truyền thống, bố cục khán đài không phân chia ra các khu vực riêng hay ban công để hạn chế sự phân chia thứ bậc xã hội. Khán phòng cũng không có cột mà trụ vững nhờ kết cấu mái thép khổng lồ. Công nghệ CATIA thường phổ biến trong ngành hàng không vũ trụ và ô tô được Gehry tận dụng để chuyển các mô hình phức tạp của dự án thành một khối kiến trúc khả thi trong xây dựng, đồng thời diễn giải cho nhà thầu hình dung ra cấu trúc của nhà hát.
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt, lớp kim loại phản chiếu đã góp phần làm gia tăng tai nạn giao thông trong khu vực. Do đó, đội ngũ xây dựng phải chà nhám bề mặt ngoại thất để giảm độ chói.
Ngày nay, nhà hát Walt Disney được xem như là một ví dụ điển hình của phong cách kiến trúc giải tỏa kết cấu có từ những năm 1980, phản đối tính hợp lý và đối xứng. Tuy nhiên, KTS Gehry không và chưa bao giờ coi mình là người theo chủ nghĩa này. Ông chỉ đơn giản tạo ra một nhà hát cho thành phố để giúp mọi người có thể tiếp cận âm nhạc gần gũi hơn.
Lối vào mang tính cộng đồng được đánh dấu bằng một cầu thang lớn kết nối với các con phố xung quanh. Cầu thang dẫn vào tiền sảnh tràn ngập ánh sáng và được lót bằng kính trong khi cầu thang trung tâm được bao quanh bởi những bức tường uốn lượn.
Bên trong khán phòng chính, có rất ít góc vuông. Sàn được lót gỗ sồi trong khi sân khấu được làm từ tuyết tùng vàng Alaska và các bức tường được hoàn thiện bằng gỗ linh sam Douglas. Những chi tiết này góp phần quan trọng trong việc tạo ra những giai điệu vừa phức tạp vừa trong trẻo bên trong khán phòng. Đây là kết quả của sự hợp tác ăn ý từ bộ ba gồm KTS Gehry, chuyên gia âm thanh Yasuhisa Toyota và cựu giám đốc âm nhạc Los Angeles Philharmonic Esa-Pekka Salonen.
Để đạt được điều này, các bài kiểm tra âm thanh luôn diễn ra theo sát sự hoàn thiện của nhà hát. Ngày nay, KTS Gehry cho rằng “sự trong trẻo của âm thanh” là kết quả thành công nhất của Walt Disney Hall Concert.
Ngoài ra, một công viên đô thị phía trên nhà hát được bổ sung nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà sáng lập Lillian Disney, bà đã qua đời trước khi dự án hoàn thành. Ngay trước dự án là một đài phun nước hình bông hoa do KTS Gehry trực tiếp thiết kế, được khảm như một bức tranh từ hàng nghìn mảnh sứ xanh và trắng.
Sau khi hoàn thành, nhà hát đã được đón nhận nồng nhiệt và được ca ngợi vì đã tái tạo sức sống cho khu vực nội thành và trở thành nét văn hóa sinh động cho thành phố. Lúc bấy giờ, nhà phê bình kiến trúc Jonathan Glancey nhận xét đây là một kiệt tác không cần phải bàn cãi.