Khi mở cửa Alma Resort vào ngày 29/12/2019, chúng tôi vô cùng tự hào cho những nỗ lực của mình trong suốt giai đoạn tiền khai trương một khu nghỉ dưỡng rộng 30ha. Đó không phải là quãng thời gian vài tháng, mà là nhiều năm, để hình thành nên một Alma như hôm nay. Thế rồi dịch bệnh bùng phát, dù nó đã gây ra hậu quả nặng nề, tạo ra những thách thức vô cùng lớn cho ngành du lịch nhưng với tôi, nó cũng mang lại những bài học quý.
Bài học thứ nhất: Chúng ta phải thay đổi tư duy. Những gì chúng ta đã nghĩ và làm trong quá khứ – rằng thường có sự tăng trưởng dương và ổn định qua từng năm – sẽ không còn đúng nữa. Nếu chúng ta nghĩ mình vẫn cứ làm như thời kỳ “bình thường cũ”, chúng ta không thể đối phó với trạng thái “bình thường mới”.
Bài học thứ hai: Đừng xem bất cứ điều gì là tồn tại mãi mãi. Toàn ngành du lịch đang phải sống chung với tình trạng bất ổn đang tiếp tục diễn ra. Tôi thực sự đồng cảm với rất nhiều người tài giỏi, họ đã cống hiến cả đời cho ngành du lịch và giờ đây đã mất tất cả.
Bài học thứ ba: Không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng lớn ở Việt Nam hoặc những người muốn đầu tư vào Việt Nam, đừng bao giờ nói: “Tôi sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam cho khách du lịch quốc tế”. Đại dịch toàn cầu đã cho thấy không phải lúc nào người nước ngoài cũng có thể đến Việt Nam.
Ông Herbert Laubichler-Pichler (Tổng quản lý Alma Resort Cam Ranh)
Bài học thứ tư: Tập trung vào thị trường nội địa. Trong khi biên giới vẫn đóng cửa với khách du lịch quốc tế, Alma Resort đã thu hút được thị trường trong nước nhờ sở hữu một cơ sở vững chắc. Chúng tôi có một hệ thống cơ sở vật chất tầm cỡ: 580 biệt thự và căn hộ, 14 khu phục vụ ẩm thực, 12 hồ bơi, công viên nước rộng 6.000 m2, khu chăm sóc spa 13 phòng trị liệu, bảo tàng khoa học, phòng trưng bày nghệ thuật, rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị, trung tâm thanh thiếu niên, câu lạc bộ trẻ em, phòng tập và sân golf 18 lỗ. Tôi thực sự tin rằng Alma là một ngôi nhà rộng mở dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng địa phương.
Bài học thứ năm: Ngành khách sạn đang rất cần một mô hình đầu tư khác. Alma dựa trên mô hình sở hữu kỳ nghỉ, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Mô hình này đã thật sự giúp chúng tôi tồn tại lâu dài. Trong tình hình đại dịch như thế này, mô hình chia sẻ kỳ nghỉ của chúng tôi đã cho thấy hiệu quả hơn so với mô hình kinh doanh khách sạn truyền thống vì chúng tôi luôn có một nhóm khách hàng trung thành sẽ quay lại năm này qua năm khác.
Bài học thứ sáu: Chúng ta cần cung cấp thêm các giải pháp kỹ thuật nếu có thể và vẫn luôn đảm bảo duy trì dịch vụ tốt. Chúng tôi vừa ra mắt ứng dụng di động Alma Resort nhằm tăng cường tối đa giao tiếp không chạm giữa khách và nhân viên. Ứng dụng có nhiều tiện ích nổi bật đa dạng được xem là “người thay đổi cuộc chơi” cho ngành công nghiệp hiếu khách của Việt Nam.
Một năm đầy thách thức vừa qua khiến tôi nghĩ đến một câu ngạn ngữ: “Sóng yên biển lặng không tạo nên người thủy thủ giỏi”. Dù sao đi nữa thì ngành du lịch chắc chắn sẽ phục hồi. Đó là điều tất yếu. Và tôi tin rằng những bài học khó khăn mà chúng tôi đã và đang học được sẽ giúp chúng tôi làm cho Alma trở thành một Alma kiên cường và sáng tạo hơn.