Tranh cát hay họa cát là nghệ thuật đổ cát màu, những sắc tố làm từ các khoáng chất hoặc tinh thể, hoặc những sắc tố từ các nguồn tự nhiên hoặc tổng hợp khác lên bề mặt phẳng để tạo thành một bức tranh cát cố định (tĩnh) hoặc không cố định (động). Tranh cát động có lịch sử văn hóa lâu đời trong nhiều khu vực trên thế giới và thường là những bức tranh tạm thời xuất hiện trong những nghi lễ tôn giáo hoặc chữa bệnh. Tranh cát được lưu hành từ những người dân Mỹ bản địa ở Tây Nam Mỹ, các nhà sư Phật giáo Tây Tạng, cũng như người Úc bản địa và cả người Mỹ Latinh vào những dịp thánh của Cơ đốc giáo.
Văn hóa hiện đại
Trong thời hiện đại, vẽ tranh bằng cát thường được thực hiện nhiều nhất trong ngày lễ Dia de los Muertos ở Mexico và Mỹ. Đường phố được trang trí bằng những bức tranh cát mà sau khi buổi lễ kết thúc sẽ bị cuốn trôi, tượng trưng cho tính chất phù du của cuộc sống. Điểm nhấn của nghệ thuật tranh cát không chỉ được thể hiện trong Lễ hội Seattle Dia De Muertos mà sự phát triển ấn tượng nhất phải kể đến là khi Nghệ thuật trình diễn hoạt hình cát ra đời. Nó đã tạo ra một làn sóng mới cho các nghệ nhân trẻ và cũng như làm sống lại sự quan tâm của đông đảo công chúng đến tất cả các loại hình nghệ thuật tranh cát. Một số nghệ sĩ đương đại sử dụng cát theo những cách xuất phát từ truyền thống văn hóa cụ thể, khám phá các kỹ thuật bằng cách cào cát, đổ cát, chạm khắc nhằm tạo ra những thiết kế độc đáo lạ mắt. Các tác phẩm chỉ là nhất thời và chủ yếu được chia sẻ thông qua tài liệu hoặc một phần của buổi biểu diễn trực tiếp.
Nhiều nghệ sỹ trong số này đã mang các tác phẩm của mình đến cuộc triển lãm mang tên “Swept Away: Dust, Ashes, and Dirt in Contemporary Art and Design” tại Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế ở Thành phố New York vào năm 2012. Giám đốc Bảo tàng David Revere McFadden mong muốn mở cuộc triển lãm này với mục đích quảng bá các tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại, những người chuyên về thứ mà ông gọi là “vật liệu không chính thống, bất thường hoặc bất ngờ”. Các nghệ sĩ từng sử dụng cát và các kỹ thuật liên quan đến tranh cát trong cuộc triển lãm có Elvira Wersche, người thu thập cát từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra các bức tranh có hoa văn hình học. Bên cạnh đó, còn có Jim Denevan nổi tiếng với những bức tranh cát đồ sộ cũng chia sẻ những tài liệu về quá trình hình thành những kiệt tác dọc các bãi biển California; Cui Fei tạo ra các tác phẩm thư pháp trên cát bằng cách sử dụng ống dẫn cát chak-pur truyền thống và bút vẽ; Joe Mangrum đổ cát màu thủ công trong hai ngày liên tiếp để tạo ra tác phẩm Asynchronous Syntropy sống động tại buổi triển lãm của bảo tàng.…
Kỹ thuật tranh cát ngày nay
Hầu hết các nghệ sĩ sử dụng cát màu tự nhiên đã được oxy hóa và tích điện, thêm than bột để mở rộng bảng màu và trong một số trường hợp là các vật liệu cá nhân như mạt sắt hoặc bụi của thợ đá bỏ đi từ các địa điểm thờ tự. Các nghệ sĩ khác sử dụng cát thạch anh nhuộm màu công nghiệp có khả năng chống lại các tác động mạnh nhờ các hoạt chất kết dính mới. Các tác phẩm được bảo vệ bằng một lớp sơn phủ bóng. Không cần khung kính bảo vệ với cát và keo dán vì các bức tranh đã được chứng minh là có thể chống lại tác động của ánh nắng trực tiếp mà không làm ố vàng lớp sơn phun.