Quá trình phát triển của một trong những kỹ thuật làm phim lâu đời nhất trên thế giới.
Stop motion hay còn gọi là hoạt hình tĩnh vật là một loại hình nghệ thuật độc đáo đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, kiên nhẫn và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Từ thế kỷ 19, các nhà làm phim hoạt hình đã bắt đầu sử dụng các công cụ chụp ảnh các đối tượng theo từng chuyển động và phát lại các chuỗi ảnh đó để tạo ra chuyển động liên tục trên màn hình. Có thể hiểu đơn giản rằng hoạt hình tĩnh vật được thực hiện qua việc vật thể được di chuyển trước máy ảnh và được chụp lại nhiều lần.
Những người tiên phong với những bộ phim đầu tiên
Khái niệm stop motion bắt nguồn từ những lần thử nghiệm của Eadweard Muybridge vào những năm 1870, nơi ông sử dụng nhiều máy ảnh để ghi lại chuyển động của một con ngựa. Điều này đã đặt nền móng cho hình ảnh chuyển động, mặc dù ban đầu hình ảnh được xem là ảnh tĩnh. Sự phát triển được đánh dấu với bằng sáng chế vào năm 1888 của Louis Le Prince cho máy ảnh chuyển động đầu tiên và máy ảnh Chronophotographic năm 1889 của Friese-Greene, có thể chụp 10 hình ảnh mỗi giây trên màng phim xenlulo. Trợ lý William Kennedy Laurie Dickson của Thomas Edison đã nâng cao công nghệ này bằng sự ra đời của Camera Kinetographic vào năm 1891 nhờ vào một động cơ điện độc đáo.
Bộ phim stop motion đầu tiên được biết đến, The Humpty Dumpty Circus (1898) của J. Stuart Blackton và Albert E. Smith tái hiện khung cảnh một rạp xiếc đồ chơi đang chuyển động. Tiếp theo là The Haunted Hotel (1907) với hàng loạt đồ nội thất chuyển động cơ bản. Lúc bấy giờ, nhà làm phim người Nga-Ba Lan Wladyslaw Starewicz nổi lên như một người dẫn đầu xu hướng, tạo ra những bộ hoạt hình tĩnh vật theo hướng kể chuyện như Lucanus Cervus (1910), lấy côn trùng làm con rối dẫn dắt câu chuyện. Các tác phẩm mang tầm ảnh hưởng quan trọng của ông bao gồm The Tale of The Fox và The Mascot.
Thời đại hoàng kim
Willis O’Brien đã cách mạng hóa stop motion với tác phẩm The Lost World (1925) và King Kong đầy tính biểu tượng (1933). Sự đổi mới của ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ sau này, trong đó có Ray Harryhausen, người đã trở thành nhà làm phim hoạt hình stop motion nổi tiếng hàng đầu thế giới. Những nỗ lực hết mình của Harryhausen trong các bộ phim như The 7th Voyage of Sinbad (1957), Jason and the Argonauts (1963) và Clash of the Titans (1981) đã đặt ra những tiêu chuẩn mới về hiệu ứng hình ảnh và lối kể chuyện.
Bên cạnh đó, loạt phim Puppetoons của George Pal trong những năm 1930-1940 đã giới thiệu các kỹ thuật hoạt hình thay thế, ảnh hưởng đáng kể đến stop motion hiện đại. Đồng thời, Jiri Trnka thường được mệnh danh là Walt Disney của Đông Âu, đã phát minh ra kỹ thuật Ball and Socket Armature – tạo ra các nhân vật có bộ xương với các khớp nối để tăng tính chân thực và chuyển động mượt mà hơn. Những tác phẩm kinh điển của ông có thể kể đến như The Emperor’s Nightingale (1949) và A Midsummer Night’s Dream (1959). Những năm 1950 chứng kiến hoạt hình tĩnh vật phát triển mạnh mẽ trên truyền hình, với loạt phim The Gumby Show (1955) và Davey and Goliath của Art Clokey. Đến những năm 1970 và 1980, stop motion thống trị các video quảng cáo và ca nhạc, với những sáng tạo mang tính biểu tượng của Will Vinton, The Noid and The California Raisins đã trở thành một hiện tượng văn hóa.
Suy tàn và hồi sinh
Hoạt hình tĩnh vật bắt đầu suy thoái vào những năm 1990 do sự nổi lên của CGI, điển hình là những hiệu ứng mang tính đột phá trong Jurassic Park (1993). Tuy nhiên, những bộ phim như The Nightmare Before Christmas (1993) và Chicken Run (2000) vẫn duy trì sự hiện diện của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số và phần mềm như DragonFrame vào những năm 2000 đã cách mạng hóa hoạt động sản xuất phim ảnh, giúp stop motion trở nên dễ tiếp cận hơn và lan rộng hơn.
Máy ảnh kỹ thuật số và phần mềm chụp ảnh đã hồi sinh hoạt hình tĩnh vật và dẫn đến một làn sóng sản xuất mới. Các tác phẩm như Robot Chicken (2005), Corpse Bride (2005), Coraline (2009) và Kubo and the Two Strings (2016) đã chứng minh khả năng tồn tại của loại hình nghệ thuật có bề dày lịch sử này trong thời đại kỹ thuật số. Ngày nay, việc tạo hoạt hình tĩnh vật dễ dàng hơn nhờ công nghệ dễ tiếp cận, cho phép bất kỳ ai có máy ảnh và trí tưởng tượng đều có thể tạo hoạt ảnh. Các nền tảng như YouTube cung cấp các kênh phân phối cho cả các nhà làm phim hoạt hình nghiệp dư và chuyên nghiệp.
Tương lai của stop motion có vẻ đầy hứa hẹn với sự tích hợp của thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Những công nghệ này cho phép tạo ra môi trường tương tác, sống động, có khả năng thay đổi cách khán giả trải nghiệm thế giới chuyển động tĩnh. Khi VR và AR trở nên phổ biến hơn, hoạt hình tĩnh vật có thể phát triển thành một phương tiện năng động và hấp dẫn hơn.