Chủ nghĩa Brutalism trong kiến trúc bắt đầu dần phai mờ trong dòng chảy phát triển không ngừng của nhân loại từ những năm 1980, dẫn đến việc phá dỡ hoặc bỏ hoang nhiều công trình theo phong cách này. Tuy nhiên, điều thú vị là Brutalism đã trải qua thời kỳ phục hưng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Sự hồi sinh này một phần là đến từ phản ứng bài xích của công chúng đối với các thiết kế đồng nhất, bóng bẩy của thời đại kỹ thuật số, và nhiều người bắt đầu tìm kiếm sự trở lại với lối kiến trúc biểu cảm nhấn mạnh vào xúc giác. Chưa kể, khi tính bền vững trở thành mối quan tâm ngày càng tăng, độ bền và hiệu quả năng lượng của các tòa nhà theo chủ nghĩa Brutalism cũng một lần nữa được đánh giá cao.
Thuật ngữ “Brutalism” xuất phát từ cụm từ tiếng Pháp “béton brut”—có nghĩa là “bê tông thô”—do kiến trúc sư tiên phong Le Corbusier đặt ra. Nó xuất hiện sau Thế chiến II như một sự phản đối dành cho các thiết kế trang trí và cầu kỳ trước chiến tranh. Thông qua việc nhấn mạnh vào tính trung thực về mặt cấu trúc và chức năng, Brutalism phản ánh các lý tưởng sau chiến tranh về chủ nghĩa bình đẳng xã hội và đổi mới đô thị. Những nhà phê bình trong nhiều thập kỷ sau đã lên án tính thẩm mỹ hà khắc của các công trình này và thường gắn liền chúng với sự lạnh lẽo, vô nhân đạo và áp bức. Cuối cùng, phong cách này gắn liền với các dự án nhà ở xã hội thất bại và sự suy thoái đô thị, dẫn đến sự suy giảm về mức độ phổ biến và phá hủy rất nhiều công trình tương tự.
Về bản chất, Brutalism mang tính vật chất thô ráp, một trong những đặc điểm nổi bật nhất khiến nó khác biệt với các phong cách kiến trúc khác. Việc sử dụng các bề mặt bê tông—trần, tạo hình ván hoặc có kết cấu—thường mang dấu ấn của ván khuôn được sử dụng trong quá trình xây dựng, tạo ra lớp hoàn thiện có kết cấu và xúc giác ấn tượng.
Một đặc điểm chính khác của thiết kế Brutalism là hình dạng hình học và góc cạnh. Các cấu trúc nguyên khối, đồ sộ với các cạnh sắc và khối lượng được xác định rõ ràng giúp cho không gian nội thất được mở rộng ra, nơi các mặt bằng mở được chia thành các khu vực chức năng cụ thể rõ ràng và thường được phân định bằng các thay đổi về mặt bằng hoặc vật liệu.
Brutalism từ chối những chi tiết trang trí thừa thãi để ủng hộ vẻ đẹp nguyên bản cua cấu trúc và vật liệu. Điều này không có nghĩa là các không gian theo chủ nghĩa Brutalism không có sự hấp dẫn về mặt thị giác; thay vào đó, sự hấp dẫn đến từ quá trình tương tác của các hình thức, kết cấu và sự kết hợp cẩn thận các yếu tố tương phản. Ví dụ, thép thường được sử dụng để tạo chi tiết về cấu trúc và kính mang lại vẻ đẹp trong suốt và nhẹ nhàng. Trong khi gỗ làm dịu đi sự thô ráp của bê tông và tăng thêm nét ấm áp cho nội thất, thì gạch lại khiến cho cảm giác thô sơ tăng lên gấp đôi.
Mặc dù không hoàn toàn là một người theo chủ nghĩa Brutalism, thế nhưng kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ Le Corbusier được coi là người tiên phong của kiến trúc hiện đại và là người có ảnh hưởng quan trọng đến chủ nghĩa này, đặc biệt có thể thấy rõ trong các công trình giai đoạn sau của ông. Toà nhà Unité d’Habitation ở Marseille, Pháp, thường được coi công trình Brutalism đầu tiên với cấu trúc bê tông lộ thiên. Bên cạnh đó, khu phức hợp chính phủ của Le Corbusier ở Chandigarh, Ấn Độ, đặc biệt là Cung điện Hội đồng, cũng gây ấn tượng bởi những yếu tố Brutalism ấn tượng.
Kiến trúc sư người Mỹ gốc Hungary Marcel Breuer, nổi tiếng trong ngành thiết kế nội thất, cũng có những đóng góp đáng kể cho Brutalism. Bảo tàng Nghệ thuật Whitney của Mỹ ở Thành phố New York là một ví dụ điển hình, với thiết kế ziggurat ngược với các tầng trên nhô ra; trong khi Trụ sở chính của UNESCO ở Paris và Trung tâm nghiên cứu IBM ở La Gaude cũng thể hiện sự nhạy cảm theo phong cách Brutalism của mà ông ấp ủ.
Nổi tiếng với các tòa nhà trong khuôn viên trường Brutalist, kiến trúc sư người Mỹ Paul Rudolph đã giới thiệu bê tông nhung kẻ đặc trưng của mình và các không gian phức tạp, liên kết với nhau thông qua Tòa nhà Nghệ thuật và Kiến trúc Yale (nay là Rudolph Hall), được hoàn thành vào năm 1963.
Sự trỗi dậy của Brutalism
Cho đến ngày nay, một thế hệ kiến trúc sư, nhà thiết kế và những người đam mê kiến trúc mới đã một lần nữa bắt đầu đánh giá lại vẻ đẹp tự nhiên và thô ráp của vật liệu, từ đó làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra về quy hoạch đô thị, nhà ở xã hội và vai trò của kiến trúc trong xã hội ngày nay. Những ngôi nhà lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Brutalism, thường được trang bị cửa sổ lớn để ánh sáng tràn vào không gian bên trong, thể hiện sự tương tác năng động giữa các khối vật chất rắn và lỏng.
Brutalism rất thích hợp với các tông màu trung tính và đất như màu be, nâu và đất nung, cùng với các điểm nhấn nhẹ nhàng phủ sắc màu xanh ô liu, màu gỉ sắt hoặc màu xanh nước biển—tạo nên sự tương phản rõ rệt và nhấn mạnh các hình dạng hình học đặc trưng của phong cách này. Bên cạnh đó, đồ nội thất và đồ trang trí nhấn mạnh vào hình thức và chức năng hơn là các chi tiết trang trí cầu kỳ.
Thông điệp kiến trúc bền vững
Mặc dù Brutalism không được hình thành với các tiêu chuẩn bền vững ngày nay, nhưng sự hồi sinh của chủ nghĩa kiến trúc này thực sự phù hợp với mối quan tâm ngày càng tăng của nhân loại về tính bền vững trong kiến trúc và xây dựng.
Kết cấu chắc chắn của các công trình này thông qua việc sử dụng các vật liệu bền bỉ mang lại tuổi thọ cao mà không cần bảo trì thường xuyên, đồng thời cho phép tái sử dụng và cải tạo thay vì phá dỡ và xây dựng lại, từ đó giảm lượng khí thải carbon liên quan đến xây dựng mới.
Không chỉ vậy, cấu trúc mạnh mẽ của chúng thường tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động nâng cấp tiết kiệm năng lượng như lắp đặt hệ cửa sổ hiệu suất cao, mái nhà xanh hoặc lắp đặt tấm pin mặt trời, tích hợp thiên nhiên vào môi trường xây dựng như tường xanh và vườn trong nhà.