Trong bối cảnh thị trường nghệ thuật toàn cầu chững lại sau những cơn sốt thời kỳ đại dịch, ba trong số các nhà đấu giá hàng đầu thế giới là Sotheby’s, Christie’s và Bonhams đang đua nhau mở rộng hoạt động tại Hồng Kông. Họ hy vọng thu hút được các nhà sưu tập trẻ tại châu Á, bất chấp sự suy giảm của thị trường nghệ thuật.
Trong vòng hai tháng qua, Sotheby’s, Christie’s và Bonhams đã có những động thái mới nhằm nâng cấp trụ sở khu vực của họ tại Hương Cảng. Sotheby’s đã ra mắt phòng trưng bày tại một trung tâm thương mại cao cấp ở khu tài chính Hồng Kông, trong khi Christie’s cũng chuẩn bị mở một trụ sở mới tại tòa nhà chọc trời thiết kế bởi kiến trúc sư Zaha Hadid. Nathan Drahi, Giám đốc điều hành của Sotheby’s tại châu Á, cho biết: “Chúng tôi hình dung không gian này sẽ trở thành trung tâm văn hóa cho du khách toàn cầu.” Ông nhấn mạnh rằng Hồng Kông có những yếu tố tích cực để phát triển ngành đấu giá nghệ thuật.
Hồng Kông – điểm đến lý tưởng cho các nhà đấu giá
Hồng Kông tổ chức các cuộc đấu giá lớn nhất vào mùa xuân và mùa thu hàng năm, tạo nên một không khí sôi động và hấp dẫn trong giới đấu giá. Những sự kiện mới sẽ được tổ chức tại các địa điểm riêng biệt hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm thị trường, giúp Hồng Kông phát triển thành “vùng đất hứa” cho các hoạt động đấu giá trên toàn thế giới.
Mặc dù doanh thu nghệ thuật toàn cầu đã suy giảm, Christie’s vẫn báo cáo doanh thu 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Chuyên gia nghệ thuật Wendy Goldsmith cho rằng sự trì trệ này chủ yếu liên quan đến cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản tại Trung Quốc, tuy nhiên, đam mê sưu tập vẫn còn còn tồn tại rất mãnh liệt. Nhà đấu giá Bonhams cũng cho biết rằng họ đã thành công khi nhắm tới phân khúc các giao dịch dưới 10 triệu HKD (khoảng 1,3 triệu USD). Giám đốc điều hành Julia Hu cho biết, “Phân khúc này đã chứng tỏ sức bền vững bất chấp những bất ổn chung của nền kinh tế.”
Cuộc chạy đua để thu hút người mua trẻ
Điều đáng chú ý là các nhà đấu giá hiện đang tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Theo Christie’s, 29% người mua trong nửa đầu năm 2024 là thế hệ millennials hoặc Gen Z. Họ đang điều chỉnh các hoạt động của mình tương thích hơn với thói quen trực tuyến do đại dịch.
Julia Hu khẳng định rằng các cuộc đấu giá trực tiếp vẫn không thể thay thế được, và “Khách hàng của chúng tôi vẫn mong muốn trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi có mặt tại sự kiện”.
Giờ đây, Hồng Kông đang trở thành trung tâm đấu giá nghệ thuật tại châu Á nhờ vào những động thái mạnh mẽ từ các nhà đấu giá lớn. Sự đầu tư này không chỉ là một cơ hội, mà còn là thách thức để biến Hồng Kông thành điểm đến hấp dẫn cho những người đam mê nghệ thuật trong nước và quốc tế.