Bunker Liners, hay còn được gọi là vải lót hố Bunker, là tên gọi chung của các loại vải Bunker Golf có tác dụng cải thiện khả năng giữ cát trên thành dốc của các chướng ngại vật trên sân. Liệu bạn đã biết được nguyên do vì sao các sân golf không tiếc tay đầu tư rất nhiều tiền vào lớp lót đặc biệt này chưa?
Đã từ lâu, thanh chắn Bunker bằng polyme, bê tông hoặc các vật liệu khác có chức năng bảo vệ cát khỏi bị trộn lẫn vào lớp đất bên dưới đã được sử dụng rộng rãi trong thập kỷ qua, tuy nhiên điều này có thể làm tăng thêm chi phí lớn cho ngân sách xây dựng, từ 250.000 USD đến 1 triệu USD tùy thuộc vào chất lượng và diện tích tổng thể của hố Bunker.
Tuy nhiên, lớp lót hố Bunker có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề về bảo trì và kiến trúc hơn hẳn. Lớp lót đầu tiên đã được phát triển cách đây vài thập kỷ nhằm giúp quản lý việc thoát nước trong hố Bunker và ngăn ngừa ô nhiễm khi lớp đất bên dưới thấm vào cát khiến cho chúng ta cần phải thay mới toàn bộ cát trong hố sau một thời gian sử dụng. Một lớp lót chất lượng còn có thể giữ cho cát cách ly khỏi bề mặt đất, chống xói mòn và hỗ trợ cho việc tưới tiêu. Nhiều loại lớp lót cao cấp có thể cho phép nước đi qua cát mà không làm mất đi độ ổn định vốn có của cái, từ đó tiết kiệm được rất nhiều giờ lao động để xử lý cát sau những trận mưa lớn. Cuối cùng, vì những đặc tính ưu việt của lớp vải lót mà các kiến trúc sư có thể thỏa sức sáng tạo trong quá trình thiết kế hố Bunker mà không cần lo lắng đến hiện tượng cát bị rửa trôi.
Tuy nhiên, vải lót hố Bunker không dành cho mọi sân golf trên thế giới này. Việc có thể sử dụng được loại phụ kiện đặc biệt này hay không còn phụ thuộc vào các điều kiện như số lượng Bunker trên một sân, loại đất và kiểu dáng của Bunker, và quan trọng không kém là lượng mưa hàng năm trên sân golf đó. Nếu sân golf có đất cát hoặc đất thoát nước dễ dàng thì lớp lót có lẽ không phát huy được hết giá trị của nó, cũng tương tự như các sân golf nằm ở nơi có khí hậu khô ráo, không có nhiều mưa và các sân có hố cát đáy phẳng với mặt cỏ.
Theo ước tính sơ bộ, Bunker có lẽ đã trở thành phần tốn kém nhất và đòi hỏi nhiều công sức nhất trong quá trình bảo trì sân golf. Bằng cách phân tích chi phí – lợi ích, người ta đã đi đến kết luận rằng có thể tiết kiệm tới 70% ngân sách bằng cách cắt giảm số nhân công phục vụ cho việc sửa chữa các Bunker, và đầu tư vào tấm lót hố Bunker sẽ giúp phát huy tác dụng sau từ 4 đến 5 năm. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là khoản đầu tư ban đầu lớn cũng như sân golf sẽ phải thay mới sau một khoảng thời gian dài sử dụng (đa phần thời hạn bảo hành là trong vòng 10 năm).