Lứa hậu bối hiện đang thừa nhân tài. Và khi hỏi những tay golf thi đấu nhà nghề về sự phát triển của bản thân, họ cho rằng tư duy là yếu tố tạo ra sự khác biệt.
Collin Morikawa giành được hai danh hiệu lớn, trong lần ra mắt đầu tiên đã giúp đội Mỹ giành lại Ryder Cup. Anh thậm chí mang về cả danh hiệu European Tour dù không thi đấu thường xuyên ở châu Âu.
Trước một giải đấu gần đây, khi được hỏi từ khi nào cậu biết mình xuất sắc hơn những người khác, golfer 25 tuổi đáp thật khiêm tốn: “Tôi không bao giờ nghĩ bản thân đã vượt xa người khác. Tôi vẫn luôn phải học hỏi từ mọi người”. Cậu chia sẻ: “Có những đứa trẻ xuất sắc đến một mức độ nào đấy và chúng nghĩ giỏi như thế là đủ rồi, nhưng tài năng thì đâu có giới hạn. Mỗi ngày đều học hỏi mới là hướng đi đúng đắn nhất của chúng tôi. Ngày mà một golfer nghĩ mình là nhân tài cũng chính là ngày sự nghiệp của họ có nguy cơ lụi bại. Bởi khi bạn đang chỉ tập luyện thông thường thì những người khác lại đang ngày đêm cố gắng không ngừng nghỉ”.
Nếu câu hỏi dành cho Morikawa chỉ đơn giản là một câu hỏi về khả năng, thì nhiều người đã có lí do tin rằng tại sao họ lại chỉ đạt được đến một mức độ nào đấy. Tuy nhiên, hãy hỏi những golfer nhà nghề hiện nay về điều gì khiến họ phát triển hơn những người cùng thời. Và chủ đề nhất quán chính là sự miễn cưỡng tin vào những điều thổi phồng về bản thân họ.
“Ở tuổi 12 hoặc 15, nếu bạn nghĩ mình đủ giỏi, thì bạn có thể là như vậy. Nhưng bạn vẫn phải trở nên tốt hơn nữa. Tôi vẫn chưa bao giờ hài lòng. Khát vọng phát triển vẫn luôn ở trong tâm trí tôi mỗi khi thi đấu,” Morikawa cho biết.
Còn với Scottie Scheffler, ngay từ khi có thể ghi nhớ mọi việc, anh đã biết bản thân mình muốn chơi golf một cách chuyên nghiệp. Lớn lên trên sân Royal Oaks Country Club (Dallas), Scheffler đã quan sát khu vực nơi những golfer chuyên nghiệp luyện tập. Anh ấy thậm chí còn mặc quần dài tập luyện trên sân trong suốt cả mùa hè nhễ nhại mồ hôi ở Texas.
Scheffler, người đã vươn lên vị trí số 1 trên Bảng xếp hạng thế giới sau chiến thắng thứ ba trong vòng 42 ngày, chia sẻ: “Mọi người thường chế giễu tôi, nhưng tôi đã thành công. Tôi thấy các golfer chuyên nghiệp tập luyện hăng hái, vì vậy tôi cũng làm theo họ. Tôi không bao giờ muốn rời sân mà chỉ luôn cố gắng trở nên tốt hơn”.
Tuy nhiên, những bước đi của các golfer vĩ đại đều đặt ra mục tiêu cho tương lai và không để mục tiêu đó ảnh hưởng đến hiện tại. Đây giống như một bài học phản trực giác: để đến được nơi bạn muốn đến, hãy ngừng tập trung vào chính nơi bạn muốn đến.
Sự cuồng nhiệt với bộ môn golf một phần xuất phát định nghĩa “trở nên tốt hơn” luôn thay đổi. Khi 6 tuổi, bạn muốn cầm chắc gậy và đánh trúng bóng. Khi 10 tuổi, bạn mong cú đánh theo hướng mình muốn. Khi 13 tuổi, bạn muốn tạo ra một cú backspin bằng gậy wedge. Và chính những ước muốn khiến bạn tiếp tục cố gắng.
Theo Saginghaus, huấn luyện viên của Morikawa, “mastery mindset” (tư duy cầu tiến) là sự nghiên cứu bền bỉ của những golfer để tìm ra động lực cải thiện bên trong mỗi người. Nó sẽ có tác dụng hơn rất nhiều so với mong muốn nhận phần thưởng từ bên ngoài. Một “mastery mindset” phải giống như Hovland, golfer vừa hoàn thành đại học đã dành cả kì nghỉ đông để cải thiện hướng bóng khi dùng gậy gỗ số 3. Hoặc phải như Tiger Woods, chiến thẳng giải Masters với cách biệt 12 gậy nhưng vẫn muốn bắt đầu lại để phá vỡ cột mốc của chính mình.
Sessinghaus cho rằng: “Với tư duy cầu tiến, bạn sẽ như thể luôn là một người mới bắt đầu. Bạn đến với mọi trải nghiệm bằng tâm trí của một người mới bắt đầu và biết rằng bạn có thể trở nên tốt hơn nếu biết cách đón nhận và cách tìm tòi, học hỏi”.
Để thành công trong tương lai cũng khó như quá trình pha chế một ly cocktail phức tạp, kết quả có đáng giá chính là khi golfer phản ứng nếu mọi thứ không diễn ra đúng theo kế hoạch. Bây giờ thì Cameron Young đã nhận ra điều này. Young là một tân binh PGA Tour vừa đủ điều kiện tham dự giải Masters đầu tiên trong đời. Theo anh, có một điểm chung giữa những hậu bối tài năng mà anh đã cạnh tranh trong quá trình phát triển sự nghiệp. Đầu tiên, họ nhận ra bản thân mình thật sự giỏi. Sau đó, họ lại thấy việc chơi golf thật sự khó.
Chơi golf có thể khó đến mức khiến bạn mất tinh thần.
Các golfer trẻ luôn được cảnh báo về cảm giác tự mãn sau thành tựu đạt được và mong muốn hoàn hảo quá mức. Đó là một trong những lý do khiến nhiều huấn luyện viên dễ bị hậu bối “nhờ vả” quá nhiều vào việc điều chỉnh cú swing trên Trackman. Trong một môi trường bị kiểm soát, nơi hậu bối bị ám ảnh về đường đi tối ưu của gậy và tốc độ bóng, golfer không thích nghi được các kỹ năng giải quyết vấn đề mà họ cần có.
Nghịch lý thay, bằng chứng rõ nhất của một tư duy cầu tiến lại là sự thừa nhận rằng bạn không bao giờ có thể thực sự làm chủ được khi chơi golf cho dù Bảng xếp hạng thế giới của bạn cao đến đâu đi chăng nữa. Gần đây, mỗi khi bước đến sân tập, Justin Thomas lại suy ngẫm về những ngày tháng khó khăn của chính mình khi anh còn là một thiếu niên. Anh nhớ lại thời điểm 8 tuổi khi mà anh thua trong trận play-off tại một giải mở rộng cho thiếu nhi, có cả những đứa trẻ lớn hơn chơi cùng. Anh chia sẻ: “Thật sự điều đó giúp tôi tự tin hơn nhiều. Trước đây, tôi đã có mục tiêu đưa bóng vào lỗ, nhưng sau đó tôi lại càng khao khát nhiều hơn”.
Thomas đã sớm biết mình muốn gì từ sớm, ngay cả khi ước muốn đó không dễ dàng đạt được. Trong những năm tháng ấy, liệu có bao giờ Thomas nghĩ, điều này khó hơn anh tưởng không?
“Có chứ nhưng đó mới chính là chơi golf. Tôi vẫn luôn cố gắng luyện tập,” Thomas mỉm cười.