Giữa nhịp hối hả của một Hong Kong hiện đại sôi động, có một nghệ nhân chọn sống chậm để lắng nghe tiếng thì thầm của kim loại, cảm nhận nhịp thở của từng viên đá quý và khơi mở vẻ đẹp lặng lẽ của những hình khối tưởng chừng giản đơn. Tania Chan, nhà thiết kế đứng sau thương hiệu En Studio, không chạy theo vẻ đẹp phô trương hay hào nhoáng. Thay vào đó, cô khơi nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, triết học phương Đông và ký ức cá nhân để thổi hồn vào từng thiết kế như thể mỗi món trang sức là một bài thơ.
Tốt nghiệp ngành truyền thông tại London và từng giữ vị trí tại những thương hiệu đình đám như Chanel và Publicis Groupe, sự nghiệp của Tania Chan khởi đầu như một giấc mơ thời thượng giữa lòng thế giới xa hoa. Nhưng thay vì tiếp tục theo đuổi ánh hào quang sẵn có, cô rẽ hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn khác: chế tác trang sức thủ công, bắt đầu từ đam mê cá nhân để rồi biến nó thành sự nghiệp trọn đời.
Không chỉ là người học nghề, Chan trở thành một chuyên gia được chứng nhận bởi GIA – Học viện Ngọc học Hoa Kỳ danh giá. Cô giảng dạy, truyền đạt kỹ năng thiết kế trang sức tại các học viện uy tín tại Hong Kong và Trung Quốc, góp phần nuôi dưỡng thế hệ nhà thiết kế mới bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần đổi mới. Việc Chan lựa chọn rời bỏ vị trí trong thế giới thương hiệu toàn cầu để bắt đầu lại trong một lĩnh vực đòi hỏi tay nghề tỉ mỉ, óc thẩm mỹ và thời gian tu dưỡng lâu dài, phản ánh tinh thần nghệ sĩ trong cô: một người không chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi sáng tạo.
Khác với nhiều nhà thiết kế trẻ hiện nay vốn dựa vào kỹ thuật số, Tania Chan vẫn trung thành với gouache, hay còn được biết đến là kỹ thuật minh họa truyền thống của ngành trang sức cao cấp. Trên những tấm giấy màu đen, cô dùng màu nước và bút lông siêu mảnh để tái dựng vẻ đẹp của sapphire, ngọc lục bảo, kim cương và các loại đá quý khác đến từng chi tiết khúc xạ, phản chiếu ánh sáng. Gouache không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn yêu cầu con mắt hiểu rõ bản chất vật liệu từ độ cứng, sắc độ đến cách mỗi viên đá tương tác với ánh sáng. Đối với Chan, bản vẽ không đơn thuần là bản thiết kế, mà là bước đầu tiên để truyền năng lượng cho một tác phẩm – một “tuyên ngôn đeo được” (wearable statement), như cách cô vẫn gọi trang sức của mình.
Trong các sáng tạo mới đây, cô còn sử dụng osmium – một trong những kim loại hiếm và cứng nhất thế giới – để làm điểm nhấn trong thiết kế. Cái tên osmium không thường xuất hiện trong ngành kim hoàn do tính chất khó xử lý và giá thành cao, nhưng dưới bàn tay của Chan, thứ kim loại đầy thách thức ấy lại trở nên mê hoặc, như một lời tuyên bố ngầm về việc vượt qua giới hạn quen thuộc.
Cô đặc biệt yêu thích dòng trang sức đa nhiệm. Đó có thể là một đôi hoa tai tháo rời thành trâm cài tóc, một mặt dây chuyền có thể biến hình thành nhẫn cocktail hay một chiếc vòng cổ ba tầng có thể gỡ thành từng chuỗi riêng biệt đeo theoba phong cách khác nhau. Đây không chỉ là thiết kế thông minh mà còn là triết lý thiết kế trọng tâm tại thương hiệu của Tania Chan – transformative jewelry, hay còn gọi là trang sức chuyển hóa.
Chan không tạo ra các tác phẩm để nằm im trong tủ kính hay chỉ để đeo trong các buổi tiệc hiếm hoi. Cô thiết kế trang sức như một bạn đồng hành sống động, thích nghi theo hoàn cảnh, trang phục, tâm trạng và vai trò xã hội của người đeo. “Một người phụ nữ ngày nay có thể là doanh nhân, nghệ sĩ, người mẹ và người tình. Vậy thì vì sao trang sức của cô ấy không thể chuyển hóa theo từng vai trò ấy?” – cô đặt câu hỏi.
Giữa một thị trường sôi động, nơi nhiều thương hiệu chạy theo vẻ ngoài hào nhoáng và tính biểu tượng bề mặt, Tania Chan bước vào như một nghệ nhân điềm tĩnh cầm trong tay những bản vẽ gouache thủ công, phù phép biến kim loại hiếm và đá quý lấp lánh thành báu vật sống động.