Ngày 28/5 tại Nhật Bản, 3 nhà sản xuất ô tô là Toyota, Mazda, Subaru cùng đưa ra cam kết nghiên cứu thế hệ động cơ đốt trong (ICE) mới nhỏ gọn hơn, hiệu suất tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và có khả năng giảm phát thải CO2 tùy mức độ.
Không tập trung vào một giải pháp đơn lẻ nào, thay vào đó là tất cả các công nghệ, miễn thực hiện được mục tiêu giảm phát thải. Đây là định hướng của Toyota khi theo đuổi chiến lược trung hòa carbon, hướng đến tương lai xanh. Điều này càng được cộng hưởng khi có sự ủng hộ gần đây của những hãng xe đối thủ như Subaru, Mazda.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những mẫu xe mới với sự cải tiến động cơ đốt trong trong kỷ nguyên điện hóa, nhằm mở rộng giải pháp đa dạng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, Masahiro Moro, chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Mazda phát biểu tại buổi thảo luận chung của ba hãng xe Nhật.
Tương tự Mazda, hãng xe nổi danh với động cơ đối xứng Boxer và hệ dẫn động 4 bánh – Subaru cũng nhận thấy tầm quan trọng của định hướng tiếp cận đa chiều. Hãng nói rằng xe thuần điện là một giải pháp cần thiết cho tương lai nhưng không vì thế triệt tiêu những công nghệ còn lại.
“Khi định hình lại công nghệ điện khí hóa, chúng tôi cũng cải tiến động cơ đốt trong dạng đối xứng nằm ngang để có thể sử dụng được các loại nhiên liệu giảm phát thải trong tương lai”, Atsushi Osaki, chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Subaru, cho biết.
Đưa ra tuyên bố chung về mục tiêu cắt giảm carbon nhưng mỗi công ty sẽ phát triển động cơ riêng thay vì tạo ra một sản phẩm dùng chung. Với Mazda, nghiên cứu mới tập trung vào loại động cơ rotor đơn và kép, đóng vai trò như máy phát điện nạp năng lượng cho pin và không có kết nối cơ học nào với bánh xe. Subaru quan tâm đến việc tạo ra một động cơ hybrid mới và hiện thử nghiệm trên nguyên mẫu chiếc Crosstrek. Động cơ này bao gồm máy Boxer 2.0 và môtơ điện công suất 12,3 kW kèm một bộ pin lithium-ion nhỏ gọn. Với Toyota, hãng đang phát triển thế hệ động cơ 4 xi-lanh 1.5 (hút khí tự nhiên/tăng áp) và 2.0 (tăng áp) với ưu điểm công suất cao và hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tối ưu.
Theo đại diện các tập đoàn ô tô này, điểm chung của ba động cơ mới đang được nghiên cứu phát triển là tối ưu hóa hiệu suất của động cơ điện, pin và các thành phần điện tử khác. Những động cơ này được thiết kế để sử dụng trên các mẫu xe điện hóa hơn là sản phẩm chạy xăng/dầu đã tồn tại. Một khía cạnh quan trọng khác là kích thước của động cơ mới được thu nhỏ so với loại cùng dung tích trước đây.
Động cơ nhỏ hơn là cơ sở để các nhà thiết kế được tự do hơn, nắp ca-pô có thể hạ thấp, tăng hiệu quả khí động học, gia tăng hiệu suất vận hành lẫn cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, những động cơ mới cũng sẽ được nghiên cứu để loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó là khả năng tương thích với những loại nhiên liệu mới, thân thiện với môi trường hơn như nhiên liệu tổng hợp, nhiên liệu sinh học, khí hybro hóa lỏng…
“Nhằm cung cấp cho khách hàng những lựa chọn đa dạng trong mục tiêu trung hòa carbon, chúng ta cần đối diện với thách thức phát triển động cơ để làm sao thích ứng với các yêu cầu về môi trường trong tương lai”, ông Koji Sato, chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Toyota, nói. “Cùng chung nguyện vọng, ba công ty sẽ cải tiến công nghệ động cơ riêng của mỗi hãng dựa trên cạnh tranh lành mạnh”.
Trước khi “bắt tay” với Mazda và Subaru, Toyota đã triển khai chiến lược tiếp cận đa chiều trên toàn cầu, ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia, hãng đưa ra những giải pháp xe xanh phù hợp. Ở Việt Nam, xe hybrid được xem là giải pháp giúp giảm phát thải CO2 ngay lập tức. Tính đến nay, dải sản phẩm hybrid của hãng đã tăng lên 6 xe, gồm Corolla Cross, Camry, Corolla Altis, Yaris Cross, Innova Cross và Alphard. Doanh số tích lũy đến tháng 5/2024 đạt hơn 9.000 xe.