Nhân dịp Việt Nam vinh dự được chào đón một trong những sự kiện danh giá nhất trong ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ – Triển lãm Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG) 2024; tạp chí Golf & Life đã có cơ hội được trò chuyện cùng Ông Raymond Loretan, Chủ tịch GPHG về hành trình ông gắn bó cùng với “Oscar của ngành đồng hồ” cũng như phiên triển lãm hết sức đặc biệt tại Việt Nam
Xin chúc mừng ông về triển lãm GPHG đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Ông vui lòng cho biết tại sao bây giờ mới là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức sự kiện này?
Mr. Raymond: Tôi tin rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất. Việt Nam vẫn còn là một quốc gia tương đối trẻ trong ngành đồng hồ, nhưng gần đây, chúng tôi đã ghi nhận được sự gia tăng rất lớn về quy mô của cộng đồng đam mê đồng hồ tại đây. Chúng tôi cũng may mắn tìm được một đối tác tuyệt vời là The Hour Glass và họ đã giúp chúng tôi tạo dựng nên một không gian triển lãm tuyệt vời, từ đó gửi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng đam mê đồng hồ trong nước rằng chúng tôi đã có mặt tại đây, cùng với những tuyệt phẩm xuất sắc nhất.
Ông có thể chia sẻ thêm về lý do tại sao The Hour Glass được lựa chọn trở thành đối tác của GPHG?
Mr. Raymond: Chúng tôi tin rằng một đối tác tốt sẽ thấu hiểu và chia sẻ sứ mệnh của chúng tôi trong công cuộc quảng bá văn hóa chế tác đồng hồ. Chúng tôi thấy được rằng The Hour Glass không chỉ đơn giản là phân phối đồng hồ mà còn muốn truyền tải đến công chúng về giá trị và nghệ thuật của ngành chế tác, qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa và truyền thống đã sống mãi qua hàng thế kỷ.
Việc được tổ chức ở một địa điểm mở cửa tự do cho công chúng chính là điểm nhấn của triển lãm năm nay?
Mr. Raymond: Chính xác! Chúng tôi rất tự hào khi có thể mở cửa triển lãm cho công chúng. Điều này sẽ giúp cho tất cả mọi người, không chỉ gói gọn trong phạm vi các nhà sưu tập, tiếp cận và tìm hiểu về kỹ nghệ chế tác đồng hồ theo cách rộng rãi vẫn thường thấy ở mọi loại hình nghệ thuật khác như hội họa hay điêu khác.
Ông có thể chia sẻ thêm về những mẫu đồng hồ tham gia triển lãm năm nay không?
Mr. Raymond: Năm nay, chúng tôi có tổng cộng 90 mẫu đồng hồ, được phân loại theo 15 hạng mục khác nhau. Đây là một số lượng rất lớn và rất đa dạng, trải dài từ đồng hồ trang sức đến các mẫu đồng hồ phức tạp. Tại đây, bạn có thể nhận thấy sự trở lại của những kiệt tác siêu nhỏ và mỏng, cũng như rất nhiều cuộc hợp tác ngoạn mục giữa các thương hiệu như Louis Vuitton và Akrivia, MB&F và nhiều tên tuổi khác.
Ngoài ra, chúng tôi đã tạo ra một hạng mục mới gọi là “Time Only”, tập trung vào những mẫu đồng hồ cổ điển, đơn giản với hai hoặc ba kim đồng hồ. Điều này phản ánh xu thế thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Time Only sẽ thay thế cho danh mục Mechanical Watch năm ngoái, nhưng cũng có thể Mechanical Watch sẽ “tái xuất” vào 2 hoặc 3 năm nữa chứ hoàn toàn không bị chúng tôi loại bỏ, tất cả là tùy thuộc vào các nhà chế tác đồng hồ.
Ông có thể giải thích rõ hơn về cách GPHG thúc đẩy tính bền vững trong ngành chế tác đồng hồ?
Mr. Raymond: Chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy tính bền vững một cách tinh tế thông qua các giải thưởng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chúng tôi muốn công nhận những sản phẩm bền vững và có dự tính sẽ đưa ra một giải thưởng về bền vững vào năm tới. Điều quan trọng là GPHG không chỉ muốn quảng bá về một sản phẩm tốt mà còn về các giá trị tích cực trong ngành chế tác đồng hồ.
Ông mong muốn sẽ để lại di sản gì trên cương vị là Chủ tịch của GPHG?
Mr. Raymond: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi muốn thấy sự phát triển của Học viện GPHG Academy mà chúng tôi đã xây dựng. Đây là một mạng lưới hơn một nghìn người trên khắp thế giới đang hỗ trợ cho giải thưởng trong công cuộc lựa chọn đồng hồ được đề cử, v.v. và xa hơn là thúc đẩy nhận thức, giáo dục. Họ có thể là những thợ đồng hồ rất trẻ tuổi hoặc là những nghệ nhân lâu năm, giám đốc điều hành của những thương hiệu lớn. Học viện chính là sự công nhận dành cho những cá nhân xuất sắc này. Trên quan điểm cá nhân, tôi tin rằng việc công nhận chế tác đồng hồ như một môn nghệ thuật là điều quan trọng, và tôi hy vọng sẽ thấy đươc điều này trong tương lai. Do đó, chúng tôi đã nổ lực hết sức mình nhằm tạo dựng một mạng lưới mạnh mẽ để hỗ trợ cho mục tiêu lâu dài này.
Cuối cùng, ông có lời khuyên nào cho các thương hiệu mới đang muốn tham gia tranh tài tại GPHG trong các năm tới?
Mr. Raymond: Hãy mạnh dạn ứng tuyển và không ngại thử sức! Ngay cả khi không thành công ngay lần đầu tiên hoặc không đạt giải, duy trì tinh thần sáng tạo và đam mê mới là điều quan trọng nhất, bởi vì cơ hội sẽ chỉ đến với những ai kiên trì.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!