Nhìn rộng ra thị trường âm nhạc thế giới, các nhóm nhạc tiêu biểu như One Direction (Anh-Ireland), Maroon 5 (Mỹ), Big Bang (Hàn Quốc),… đều là những cái tên tiêu biểu, sở hữu hàng triệu người hâm mộ. Thế còn Việt Nam? Những cái tên như Tam Ca A3, Tam Ca Áo Trắng, Ba Con Mèo,… dường như chỉ còn tồn tại trong một phần hồi ức thanh xuân của người trẻ Việt một vài thập kỷ trước.
Trào lưu của các nhóm nhạc Việt xuất hiện và phát triển ở đỉnh cao nhất vào những năm 2000. Những ca khúc “Taxi”, “Đêm trăng tình yêu”… phủ kín những quyển sổ chép nhạc của 8x, 9x ngày trước. Trải qua hơn 17 năm, chứng kiến sự tan rã của nhiều nhóm nhạc Việt, phải chăng hoạt động nhóm nhạc trong thị trường âm nhạc Việt đã thực sự thoái trào?
Khó tìm được tiếng nói chung
Nguyên nhân tan rã của các nhóm nhạc đa số đều là sự lục đục nội bộ hoặc các thành viên tách ra để phát triển riêng. Tất nhiên, nhiều nhóm nhạc mới cũng thành lập nhưng rồi chỉ hoạt động cầm chừng, không xây dựng được tên tuổi hay thành tựu gì đặc sắc. Ngay như nhóm nhạc song sinh P&P của ca sĩ Thanh Thảo, được đầu tư đình đám, được nữ ca sĩ dùng nhiều chiến lược truyền thông để đẩy bật lên, nhưng dấu ấn để lại thật mờ nhạt, không mấy ai biết đến.
Chưa có một công thức chuẩn nào để tạo nên sự thành công của một nhóm nhạc nhưng sự cộng dồn của nhiều yếu tố, nhất là chất lượng mới có thể tạo nên đột phá. Nhóm nhạc của những thập niên về trước có thể thiếu đi trang phục đẹp mắt, kiểu vũ đạo thịnh hành bắt mắt hay những chiến lược truyền thông rầm rộ… nhưng bù lại bài hát, biểu diễn và cảm xúc âm nhạc được quan tâm hàng đầu nên dể đi vào lòng khán giả. Hiện nay, mọi yếu tố hào nhoáng đều có đủ, nhưng các nhóm nhạc rất ít có được sự duyên dáng, phẩm chất âm nhạc mà các đàn anh đàn chị trước kia từng có.
Các yếu tố quyết định thành công
Không thể phủ nhận sức mạnh của truyền thông trong việc quảng bá âm nhạc. Ở bất cứ đâu, một “ông bầu, bà đỡ” có tiếng nói trong làng giải trí cũng sẽ là bệ đỡ đắc lực cho các nhóm nhạc. Nhưng đó chỉ là vấn đề ban đầu khi ra mắt. Nhìn vào những nhóm nhạc mới thành lập rồi tan rã gần đây như X5, V.music,… dù được quảng bá ra mắt khá thành công và rầm rộ, nhưng sau một thời gian hoạt động, các nhóm nhạc này dần lu mờ và bị lãng quên. Nguyên nhân chính là do các nhóm nhạc không định hình được phong cách, không tạo được một dấu ấn cá nhân nào để đi vào lòng người hâm mộ.
Khi làn sóng K-pop lan toả ở Việt Nam, các nhóm nhạc Việt ra mắt sau này đều mang tiếng ăn theo, na ná các nhóm nhạc Hàn về cả phong cách, hình ảnh.
Chẳng hạn, nhóm nhạc Zero9 bao gồm 7 thành viên do Tăng Nhật Tuệ đỡ đầu, được quảng bá là đào tạo trong môi trường thực tập sinh như mô hình K-pop đã chính thức ra mắt. Ngay ở sản phẩm đầu tiên, nhóm nhạc này đã được người xem liệt vào hàng “thảm hoạ” từ phong cách sao chép đến giọng hát mất hơi và vũ đạo chưa có nhiều nổi bật.
Âm nhạc là một loại ngôn ngữ đặc biệt, kết nối xúc cảm của mọi người bằng một cách rất riêng. Chính vì vậy, mấu chốt hơn thua vẫn nằm ở sự duyên dáng, đi vào lòng người của một tác phẩm âm nhạc.
Thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn là một thị trường khá dễ tính, dễ hấp thu cái mới. Nhưng như thế không có nghĩa là khán giả luôn mở rộng cửa cho những sản phẩm kém chất lượng, thiếu cá tính sáng tạo. Truyền thông rầm rộ, thật kêu, với những dự định mang tầm khu vực, nhưng rồi tất cả các dự án lần lượt tan vỡ. Bấy nhiêu đó đã đủ cho các nhà sản xuất âm nhạc lẫn nghệ sĩ nhìn thẳng vào thực tế.
Nhạc sĩ Phương Uyên chia sẻ: “Ca sĩ đi hát thì đơn giản hơn ban nhạc. Ca sĩ chỉ cần bật nhạc nền rồi hát, còn ban nhạc thì phải tập luyện với nhau sao cho ăn ý, thử âm thanh rất lâu. Trước đây, ban nhạc Ba Con Mèo đi hát cũng chơi nhạc, sau đó thì cũng phải vứt đàn đi, hát thôi, vì mỗi lần thử âm thanh hết cả tiếng đồng hồ. Dù mình nổi tiếng thế nào, cũng không ai chờ đợi mình cả tiếng được. Nhưng chúng ta không thể không có ban nhạc. Ai cũng muốn làm ca sĩ thì ai sẽ là người đánh nhạc đây? Chúng ta đang bị mất cân bằng giữa ca sĩ và ban nhạc. Thời kỳ ban nhạc Việt có sống lại hay không, không chỉ ở sự cố gắng của chúng tôi mà còn là ở truyền thông báo chí và khán giả”.