Các chuyên gia trong ngành cho biết chi phí sản xuất ngày càng tăng đang có những ảnh hưởng rõ rệt đến giá của mỗi chai champagne. Dù giá champagne không thể tăng vọt ngay trong ngày một ngày hai, thế nhưng chắc chắn trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy biểu đồ tăng giá không ngừng đi lên của loại đồ uống này.
Mặc dù giá champagne có thể chưa tăng ngay lập tức, nhưng triển vọng tăng giá trong tương lai là điều không thể tránh khỏi và điều này đặc biệt đáng chú ý đối với các nhà đầu tư rượu. Trong 10 năm qua, đã có những báo cáo cho thấy mức tăng giá chỉ khoảng 13%, nhưng điều này trái ngược hoàn toàn với chi phí sản xuất đã tăng lên theo cấp số nhân trong cùng thời gian đó.
Chi phí sản xuất đang tăng lên chóng mặt
Các vườn nho ở Champagne hiện đang được giao dịch với mức giá 1,5 triệu euro mỗi hecta, nằm ở ngưỡng đắt đỏ nhất thế giới, gấp khoảng 60 lần so với giá trung bình của một vườn nho ở Bordeaux. Giá trung bình cho mỗi kilogram nho dùng để sản xuất champagne hiện nay là khoảng 7 euro và có thể lên đến 8 euro cho những loại champagne cao cấp nhất. Qua 15 năm, giá nho đã tăng hơn 80%. Theo Hervé Dantan, chef de cave của Lanson, dự kiến giá nho sẽ tiếp tục tăng trong 4-5 năm tới.
Khoảng 1,3 kg nho được sử dụng để sản xuất một chai champagne, cùng với quy trình sản xuất phức tạp và tốn thời gian hơn bất kỳ loại rượu nào khác trên thế giới. Đồng thời, champagne là loại rượu cần thời gian ủ lâu trước khi được xuất xưởng, và các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc số lượng sản phẩm thường bị giới hạn hoặc đôi khi không hàng trong các niên vụ riêng lẻ. Từ đó, một tình huống kinh tế không bền vững đã hình thành, và có lẽ điều này sẽ khiến giá champagne tăng lên trong vài năm tới.
Biến đổi khí hậu và chi phí bền vững
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tiêu cực lên vùng Champagne, khiến công việc tại các vườn nho trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Năm 2016, các vụ thu hoạch nho được ví như “thảm họa”, và đến năm 2017 thì nhiều nhà sản xuất đã mô tả đây là năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhu cầu ngày càng cao từ thị trường về nông nghiệp hữu cơ và sinh học làm gia tăng chi phí và giảm sản lượng. Hiện tại, một phần năm vườn nho ở Champagne đã được chứng nhận bền vững và mục tiêu đến cuối năm 2030 là toàn bộ các vườn nho sẽ đạt tiêu chuẩn này.
Vincent Chaperon, chef de cave của Dom Pérignon, khẳng định rằng giá champagne sẽ tăng do cung cầu, và dự đoán này được ủng hộ bởi Dominique Demarville, cựu chef de cave của Veuve Clicquot, người cho rằng giá champagne sẽ tăng mạnh hơn trong 10 năm tới so với trước đây.
Những dấu hiệu tăng giá đầu tiên
Chúng ta đã chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên khi champagne bắt đầu tăng giá. Năm 2018, không có bất kỳ thương hiệu champagne nào nằm trong top 10 của chỉ số Power 100 tại sàn giao dịch rượu Liv-ex, trong khi năm 2019, thế giới chứng kiến đến ba nhà sản xuất champagne có mặt trong top 10. Krug đứng ở vị trí thứ tư, theo sát là Louis Roederer ở vị trí thứ năm, và Moët Chandon ở vị trí thứ chín. Ngoài ra, Salon là thương hiệu có sự tiến bộ lớn nhất, từ vị trí thứ 79 năm 2018 lên vị trí thứ 13 năm 2019. Liv-ex Power 100 là danh sách liệt kê các thương hiệu mạnh nhất trong ngành dựa trên giá trị, khối lượng và hoạt động giao dịch.
Nếu bạn là một người yêu thích champagne, đừng lo lắng. Giá cả sẽ không tăng vọt ngay lập tức. Nếu nhìn từ góc độ đầu tư, đây là một thời điểm vàng để bổ sung champagne vào danh mục đầu tư của mình. Về lâu dài, triển vọng lợi nhuận luôn ở trong tầm tay bạn, nhất là khi giá cả được dự đoán là sẽ tăng nhanh.