Lotus, cái tên mà bất kỳ tín đồ yêu thích ô tô thể thao nào cũng đều quen thuộc, đã khắc sâu dấu ấn của mình trong tâm trí người hâm mộ không chỉ bằng những chiếc xe tốc độ mà còn bởi hành trình đầy thăng trầm mà thương hiệu này đã trải qua. Bắt đầu từ một chuồng ngựa cũ kỹ phía sau quán rượu của cha Colin Chapman, người sáng lập thương hiệu, Lotus đã vượt qua mọi thử thách để phát triển đứa con tinh thần trở thành một trong những hãng xe đua hàng đầu thế giới.
Vinh quang trên những cung đường tốc độ
Colin Chapman sinh năm 1928 tại Richmond, London, trong một gia đình có hoàn cảnh không mấy khá giả. Dù đến với ngành kỹ thuật trong bối cảnh khó khăn sau Thế chiến II, niềm đam mê mãnh liệt với ngành chế tạo xe vẫn đóng vai trò là kim chỉ nan để ông chinh phục từng nấc thang nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức trong cuộc đời mình.
Ngay từ những ngày còn là sinh viên, Chapman không mấy hứng thú với giảng đường nhưng lại dành rất nhiều thời gian tại chợ xe hơi cũ Warren Street, nơi ông lần đầu tiếp xúc với chiếc Austin 7 cổ. Chiếc xe này đã trở thành món quà đổi đời. Sau khi mua nó, Chapman đã quyết định sửa chữa lại, và không ai có thể tưởng tượng được rằng nó đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua đầu tiên tại Silverstone vào năm 1950.
Với 24 mã lực, chiếc Austin 7 tự chế không phải là một cỗ máy tối ưu cho những đường đua khốc liệt, thế nhưng tài năng của Chapman trong việc phân tích quy tắc đua đã thu hút sự chú ý từ các tay đua khác. Họ tìm đến ông để nhờ sửa đổi và phát triển các linh kiện, mở đầu cho một hành trình phiêu lưu tuyệt vời quanh những chiếc xe tốc độ. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản, bởi lẽ khi ấy Chapman vẫn còn rất hạn chế về mặt tài chính để có thể xây dựng nhà máy ô tô cho riêng mình. Năm 1952, với khoản đầu tư 25 bảng từ vị hôn thê Hazel, Lotus Engineering Company ra đời, và phần còn lại đã trở thành lịch sử.
Ngay khi bắt tay vào sản xuất xe đua, Chapman đã đặt mục tiêu cao cả: tạo ra những chiếc xe tốt nhất. Năm 1958, ông tham gia cuộc đua Monaco Grand Prix với hai chiếc Lotus 12, tuy thành tích không như mong đợi, nhưng đó lại là bước đi đầu tiên đưa Lotus vào giới đua xe thể thao quốc tế. Thập kỷ 1960 đánh dấu thời kỳ huy hoàng với sự lớn mạnh không ngừng của Lotus trong thế giới Formula One, khi đội đua giành được bảy chức vô địch đội đua và sáu chức vô địch tay đua vào những năm 1970. Hình ảnh chiếc Lotus Esprit trong bộ phim James Bond “The Spy Who Loved Me” năm 1977 đã đưa thương hiệu này trở nên quen thuộc hơn với công chúng.
Chapman đã chứng minh rằng một thương hiệu nhỏ bé như Lotus vẫn có thể đứng vững trước những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô. Theo lời Matt Windle, Giám đốc điều hành Lotus, “Lotus luôn gắn liền với sự đổi mới và tinh thần tiên phong”. Điều này không chỉ thể hiện trong thiết kế xe mà còn trong cách thương hiệu đối mặt với những thách thức mới và không ngừng phát triển.
Những thập kỷ khó khăn
Sau những thành công rực rỡ, Lotus không tượng trưng cho câu chuyện cổ tích chỉ toàn màu hồng. Những năm 1980 và 1990 chứng kiến sự sa sút của đội đua do vấn đề tài chính và chi phí hoạt động tăng cao. Danh mục sản phẩm thu hẹp dần, và mặc dù chiếc Elise tương đối gây ấn tượng vào thế kỷ 21, thương hiệu này vẫn tìm kiếm một hướng đi mới cho mình.
Khoản đầu tư từ Geely vào năm 2017 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Lotus khi không chỉ mang lại sức sống mới cho thương hiệu, mà còn giúp họ thực hiện những tham vọng lớn hơn với sự ra mắt của chiếc hypercar điện Evija, một sản phẩm thể hiện sự tái sinh mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Sự ra mắt của Evija vào năm 2019 với gần 2000 mã lực đã giúp Lotus khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp ô tô điện, một điều mà rất nhiều thương hiệu khác vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. “Đầu tư từ các cổ đông đã cho phép chúng tôi thiết kế và chế tạo Evija, một tuyên bố rõ ràng về những gì Lotus hướng đến” – Windle chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới, điều này đã cho phép Lotus phát triển và mở rộng sản phẩm của mình.
Eletre – Bước Chuyển Mới
Chiếc SUV điện đầu tiên mang tên Eletre là đỉnh cao trong quá trình tái cấu trúc của Lotus. Sự chuyển mình này có thể gây ra chút ngạc nhiên, bởi lẽ hình ảnh của Lotus từ trước đến nay gắn liền với những chiếc xe thể thao nhẹ nhàng và nhanh nhẹn. Nhưng Windle khẳng định rằng Eletre vẫn giữ nguyên tinh thần sáng tạo mà Lotus đã theo đuổi.
Từ khi ra mắt, Eletre đã thu hút sự chú ý của cả thế giới, không chỉ bởi đặc tính kỹ thuật nổi trội mà còn bởi vẻ đẹp tiệm cận sự hoàn mỹ. Được thiết kế với tinh thần khí động học nổi bật, Eletre không chỉ là một mẫu SUV mà còn là minh chứng cho sự kiên định của Lotus trong việc theo đuổi sự đổi mới.
Ngày nay, hãng có một danh mục sản phẩm đầy hứa hẹn, bao gồm một hypercar, một chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong và Eletre. Các kế hoạch phát triển tiếp theo bao gồm coupe điện bốn cửa vào năm 2023, một SUV mới vào năm 2025 và một chiếc xe thể thao điện vào năm 2026. Sự ra mắt của Eletre chính là cột mốc quan trọng trên con đường biến Lotus trở thành một thương hiệu xe thể thao toàn cầu thực thụ.
Không lãng quên đường đua quyến rũ, Lotus tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ quay lại với đỉnh cao của Formula One. Windle vẫn giữ niềm tin rằng thương hiệu có thể quay về địa vị tối cao một thời bằng cách giữ vững cam kết với chất lượng và sự đổi mới.
“Chúng tôi tin rằng, với tất cả những gì đã và đang được lên kế hoạch, Lotus sẽ có rất nhiều điều thú vị trong tương lai” – ông tự tin nói.
Từ khởi đầu khiêm tốn và bình dị, Lotus đã vươn lên thành biểu tượng của sự đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô. Qua bảy thập kỷ, gã khổng lồ kín tiếng không ngừng tự tái khẳng định giá trị và vị thế của mình, đối mặt với mọi thách thức và biến đổi không ngừng của thị trường. Giờ đây, Lotus không chỉ là một cái tên, mà là một câu chuyện về sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần bất khuất – phẩm chất bất biến của những tay đua kiên cường.