Kiến trúc Nhật Bản vốn luôn nổi bật với những nguyên tắc thiết kế đặc sắc, phản ánh chiều sâu văn hóa và triết lý sống của người Nhật. Trong một thế giới hiện đại dường như đang chịu chi phối bởi quá nhiều sự thừa thãi và cũng như các chi tiết thiên về cảm quan, triết lý thiết kế xứ Phù Tang lại mang đến một góc nhìn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tôn lên vẻ đẹp của sự đơn giản và đề cao sự hài hòa với thiên nhiên.
Wabi-Sabi (侘寂)
Wabi-sabi là một trong những nguyên tắc cốt lõi của thẩm mỹ Nhật Bản, gắn liền với triết lý Phật giáo Zen (Thiền). Nguyên tắc này tôn vinh vẻ đẹp của sự không hoàn hảo cũng như tính chất “cõi tạm” của sự tồn tại. Wabi-sabi khuyến khích chúng ta chấp nhận và trân trọng chu kỳ tự nhiên của sự phát triển, lão hóa và suy vong.
Trong thiết kế, wabi-sabi hiện diện thông qua việc sử dụng các chất liệu tự nhiên, bố cục bất đối xứng và các kết cấu mang dấu ấn của thời gian. Một minh chứng điển hình cho wabi-sabi là nhà thờ ánh sáng (Church of Light) của kiến trúc sư Tadao Ando tại Osaka. Công trình này không chỉ đơn giản về hình thức mà còn tạo ra một trò chơi thú vị giữa ánh sáng và bóng tối, nhấn mạnh sự tạm bợ trong nhận thức và trải nghiệm của một đời người.
Ma (間)
Ma thể hiện đánh giá sâu sắc về không gian âm và thời gian trong thiết kế. Khái niệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của khoảng trống và những khoảnh khắc chúng ta chợt dừng lại để nhận ra rằng khoảng trống giữa các đối tượng hay sự kiện cũng quan trọng không kém như chính các đối tượng và sự kiện đó.
Trong kiến trúc, Ma được thể hiện qua việc sử dụng không gian trống một cách có chủ đích để tạo ra cảm giác cân bằng và nhịp điệu. Chẳng hạn, tại khu nghỉ dưỡng Atami Kaihourou, kiến trúc sư Kengo Kuma đã áp dụng Ma để tạo ra sự liền mạch giữa không gian trong và ngoài nhờ vào việc sử dụng các tấm kính lớn và các yếu tố nước.
Kanso (簡素)
Kanso là một nguyên tắc thúc đẩy việc loại bỏ sự lộn xộn, cho phép những thứ thực sự cần thiết được tỏa sáng một cách xứng đáng. Đây cũng chính là một phần không thể thiếu trong thiết kế nội thất tối giản. Nguyên tắc này khuyến khích việc sử dụng nội thất đa chức năng và các giải pháp lưu trữ thông minh.
Kiến trúc sư người Anh John Pawson thể hiện nguyên tắc kanso rõ ràng qua ngôi nhà của mình tại London, nơi các không gian được thiết kế tối giản, tập trung vào những yếu tố thiết yếu. Các giải pháp lưu trữ được cất giấu gọn gàng giúp duy trì sự sạch sẽ trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Shakkei (借景)
Shakkei, hay “Tá cảnh”, chính là một khái niệm thiết yếu trong thẩm mỹ Nhật Bản, tập trung vào việc tích hợp cảnh quan bên ngoài vào trong thiết kế không gian sống. Nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của cảnh vật, đồng thời làm nổi bật những góc nhìn xa xôi như dãy núi hay thành phố.
Một ví dụ tiêu biểu là tòa nhà Sendai Mediatheque của kiến trúc sư Toyo Ito, nơi mà bề mặt kính trong suốt cho phép ánh sáng và cảnh quan bên ngoài hòa quyện vào không gian bên trong. Tại đền Tofuku-ji ở Kyoto, kiến trúc sư cảnh quan Mirei Shigemori đã khéo léo đưa những cảnh quan tầm xa vào trong thiết kế vườn, từ đó tạo ra nét hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên và kiến trúc.
Fukinsei (不均整)
Fukinsei, nguyên tắc về bất đối xứng, đang thách thức quan niệm truyền thống về cân bằng thông qua tính đối xứng hoàn hảo. Nguyên tắc này tạo ra cảm giác dòng chảy tự nhiên và sự cuốn hút thị giác, biến các không gian kiến trúc trở thành kỳ quan hấp dẫn nhưng cũng không kém phần hài hòa.
Kiến trúc sư nổi tiếng như Zaha Hadid và Frank Gehry đã áp dụng fukinsei vào các công trình của mình, tạo ra những hình khối bất ngờ và độc đáo, đồng thời thỏa sức mở rộng ranh giới không gian thiết kế.