Vào năm 1634, trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, hiện tượng bong bóng kinh tế lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường hoa tulip khi giá của những mẫu hoa hiếm và thời thượng tăng chóng mặt. Đến năm 1637, dù giá hoa giảm mạnh có thể khiến một số nhà đầu tư phá sản, nhưng nó không gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế, không giống như bong bóng bất động sản tại Mỹ đã gây ra khủng hoảng toàn cầu và dẫn đến suy thoái nghiêm trọng vào năm 2008.
“Cơn sốt hoa tulip” là một thuật ngữ vẫn được sử dụng ngày nay để mô tả khi giá tài sản tăng theo cấp số nhân so với giá trị thực sự hoặc thị trường chung của chúng và gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế. Đối với nghệ sĩ Gordon Cheung ở London, những bức tranh tĩnh vật về Hà Lan mở ra một lăng kính để khám phá mối liên kết giữa các hệ thống kinh tế xã hội lịch sử và chủ nghĩa tư bản hiện đại.
“Một phần của những bức họa nói về sự trỗi dậy và suy tàn của các nền văn minh, cũng như ngôn ngữ lãng mạn của tranh tĩnh vật: chủ nghĩa duy vật phù phiếm và cái chết mong manh được phản ánh bởi vẻ đẹp thoáng qua của những bông hoa,” họa sỹ người Anh chia sẻ.
Tượng tự như nhiều bức tranh ở Hà Lan thế kỷ 16 và 17, phong cách tranh tĩnh vật đầy biểu tượng liên quan đến các sự kiện lịch sử. Bề mặt vải lanh được cắt ghép với các trang tin từ Financial Times, từ đó những bức tranh càng gắn liền với dữ liệu và tin tức về thị trường toàn cầu. Ví dụ, bức tranh đề cập đến Cung điện mùa hè cũ của Bắc Kinh, còn được gọi là Yuanmingyuan (Viên Minh Viên), được đặt tên là “Gardens of Summer Brightness” (tạm dịch: Vườn hạ rực rỡ).
Cận cảnh “Gardens of Perfect Brightness” (tạm dịch: Vườn sáng tinh khôi)
Cung điện mùa hè (Di Hòa Viên), nơi ở của Vua Càn Long và những người kế vị chứa đựng một bộ sưu tập khổng lồ các kho báu lịch sử và đồ cổ có niên đại hàng nghìn năm cũng như những khu vườn nổi tiếng. Sau chiến tranh, phần lớn cung điện đã bị phá hủy.
Trong bức “Gardens of Summer Brightness”, hai ngọn núi thánh ở phía sau chiếc bình và chiếc cột bị gãy giúp liên tưởng đến sự sụp đổ. Bản đồ của khu vườn được đánh dấu bằng một tàn tích kiến trúc và họa tiết “nghìn hoa” phổ biến thời Càn Long được trang trí trên chiếc bình. Hình bóng con tàu phía trên cũng chứa các loài thực vật của họa sư cung đình Giuseppe Castiglione và hoa hướng dương tượng trưng cho mặt trời như một vị thần và nguồn năng lượng.
Kết hợp các phương pháp in phun, sơn acrylic và cát để tạo ra nhiều tầng kết cấu khác nhau và hiệu ứng ba chiều, những bông hoa của Cheung trông vô cùng nổi bật nhưng vẫn tinh tế trên chất liệu trang nhã. Tác giả ‘lắp ráp’ từng bông hoa, quét sơn dày trên nhựa và để khô lại, sau đó bóc ra và dán lên vải canvas. Quan niệm của Cheung chính là sự hùng vĩ và sức mạnh sẽ suy yếu theo thời gian, xét theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sử dụng cát để thể hiện sự vô thường và bản chất không ngừng thay đổi của con người.