Giám đốc công nghệ kiêm đồng sáng lập Virgin Hyperloop – Josh Giegel và giám đốc phụ trách trải nghiệm hành khách Sara Luchian đã đích thân tham gia cuộc thử nghiệm tại Las Vegas, bang Nevada. Cả hai ngồi trong khoang tàu hai ghế mang tên Pegasus, bên cạnh là các cửa sổ nhìn ra hệ thống đường ống tốc độ cao. Giegel cho biết trong suốt hành trình anh “cảm thấy không khác nhiều so với việc tăng tốc trong một chiếc xe thể thao”, trong khi Luchian chia sẻ “nó mượt mà hơn tôi mong đợi”.
Khi di chuyển, tàu hyperloop đạt tốc độ hơn 160 km/h trong 6.25 giây và mất 15 giây để đi hết quãng đường thử nghiệm dài 500 mét. Theo phía công ty giải thích, do bị giới hạn về quãng đường nên con tàu chưa thể bứt phá được hết tính năng của mình. Tuy nhiên, đây vẫn là sự kiện mang tính cột mốc, đánh dấu khả năng thương mại hóa công nghệ này trong tương lai.
Virgin cho biết khoang thử nghiệm của họ có thiết kế rất khác so với bảng vẽ của khoang hoàn thiện với sức chứa tối đa 28 hành khách. Trước đây, cũng tại sa mạc Nevada, Virgin đã tiến hành hơn 400 cuộc thử nghiệm không hành khách. Nhờ công nghệ đệm từ mà con tàu có thể bay lơ lửng phía trên đường ray. Bằng lực đẩy trái dấu, con tàu được kéo lao về phía trước. Dự kiến khi hệ thống mạng lưới đường ống được đưa vào sử dụng, Virgin Hyperloop có thể chính thức cho vận hành loại phương tiện giao thông với tốc độ lên tới 1000 km/h.
Theo Reuters, chuyến đi giữa New York và Washington trong phiên bản cuối cùng của hệ thống hyperloop như kế hoạch đề ra sẽ chỉ kéo dài 30 phút – nhanh gấp đôi so với một chuyến bay thương mại và gấp bốn lần so với tàu cao tốc. Ngoài khả năng vượt trội về tốc độ, con tàu này còn tiêu thụ ít năng lượng hơn so với các phương tiện cùng tốc độ, góp phần bảo vệ môi trường với lượng khí thải bằng 0%.
Trong một tuyên bố, Virgin cho biết: “Trong khi mẫu tàu siêu tốc hoàn thiện với sức chứa 28 hành khách thì chiếc Experimental-Pod-2 (XP-2) hai chỗ ngồi này được chế tạo để chứng minh rằng trong thực tế hành khách có thể đi lại an toàn trên phương tiện hyperloop”.
Virgin Hyperloop bắt nguồn từ khái niệm vận chuyển hành khách tốc độ cao của CEO Tesla Elon Musk khi ông đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013. Musk tiếp tục thành lập The Boring Company, công ty đào đường hầm cho các hệ thống vận chuyển “Loop” và “Hyperloop”. Virgin Hyperloop được thành lập với tên gọi Hyperloop Technologies vào năm 2014, cho đến khi Richard Branson tham gia hội đồng quản trị vào năm 2017 và được đổi tên như hiện tại. Trước đây nó cũng từng được gọi là Hyperloop One. Gần đây, công ty thông báo rằng họ sẽ xây dựng một cơ sở trị giá 500 triệu USD ở phía Tây Virginia để thử nghiệm tuyến đường dài khoảng 10 km.